Moody's: Cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn có nguy cơ lan rộng
Theo Moody's, hậu quả từ cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank vào đầu tháng 3 vẫn có nguy cơ lan rộng, mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã phản ứng nhanh chóng với cuộc khủng hoảng.
Trong một báo cáo hôm thứ Năm (23/3), các chiến lược gia từ Moody's cho biết, họ kỳ vọng vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các cơ quan quản lý khác sẽ thành công trong việc ngăn chặn các hiệu ứng gợn sóng, nhưng khả năng căng thẳng lớn hơn vẫn còn.
“Trong một môi trường kinh tế không chắc chắn và với niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn mong manh, có nguy cơ các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn hiện tại mà không gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài hơn trong và ngoài lĩnh vực ngân hàng”, báo cáo của Moody's cho biết.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng ngân hàng, cơ quan xếp hạng này đã dự báo các điều kiện tín dụng toàn cầu sẽ suy yếu vào năm 2023 khi chính sách tiền tệ thắt chặt ảnh hưởng đến tăng trưởng và gây ra suy thoái ở một số quốc gia.
Với việc chính sách tiền tệ thắt chặt càng lâu thì khả năng căng thẳng sẽ lan rộng ra ngoài lĩnh vực ngân hàng, gây ra thiệt hại tài chính và kinh tế lớn hơn những gì mà Moody's dự đoán.
Báo cáo cũng liệt kê ba kênh chính mà qua đó rủi ro lan tỏa có thể xảy ra: sự tiếp xúc với các ngân hàng gặp khó khăn, gia tăng ác cảm rủi ro của những người tham gia thị trường và rủi ro chính sách.
Theo Moody's, sự cắt giảm tín dụng của các ngân hàng và lo ngại rủi ro gia tăng sẽ tác động trực tiếp nhất đến các tổ chức bị hạn chế thanh khoản, nhưng nó cũng sẽ khiến ngân hàng và nhà đầu tư ngày càng thận trọng.
"Trong môi trường này, như các vụ đổ vỡ ngân hàng gần đây là một minh chứng, có khả năng xảy ra các cú sốc phát sinh từ rủi ro lãi suất, sự không phù hợp giữa tài sản và nợ, mức độ tập trung tài sản hoặc nợ cao, quản trị kém, lợi nhuận thấp, đòn bẩy cao hơn và các mô hình kinh doanh dễ bị tổn thương", báo cáo cho biết, đồng thời các ngân hàng không phải là tổ chức duy nhất phải đối mặt với những cú sốc này.
Trong khi đó, với việc Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, các nhà hoạch định chính sách vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa.
Các chiến lược gia cho biết, sự hỗn loạn của lĩnh vực ngân hàng đã làm phức tạp thêm cuộc chiến kéo dài cả năm của Fed với lạm phát và khiến việc hạ cánh mềm trở nên khó khăn hơn.
"Trong các dự báo cơ bản của chúng tôi, chúng tôi kỳ vọng các phản ứng chính sách sẽ nhanh chóng khi rủi ro xuất hiện, do đó ngăn ngừa rủi ro của từng thực thể trở thành hệ thống. Tuy nhiên, việc hiệu chỉnh chính sách vẫn còn nhiều thách thức, điều này làm tăng rủi ro rằng những sai lầm, hạn chế hoặc hậu quả không lường trước được của chính sách có thể dẫn đến sự suy thoái hơn nữa của thị trường tài chính”, báo cáo cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận