Mông lung chính sách giá điện mặt trời mới
Phát triển tiếp điện mặt trời ra sao trong tổng thể nguồn cung điện sau thực trạng bùng nổ trong 2 năm vừa qua đang là câu hỏi không dễ trả lời với các cơ quan nhà nước.
Đổ tiền bù lỗ điện mặt trời
Việc chính sách giá điện mặt trời mới cho giai đoạn từ ngày 1/7/2019 trở đi tới nay vẫn chưa được đưa ra, dù đã qua mốc này khá lâu, là một chỉ dấu cho thấy, các cơ quan hữu trách đang phải đối mặt với những mâu thuẫn phát sinh trong thực tế mà chưa tìm được hướng giải quyết trong ngày một ngày hai, thậm chí trong vài năm tới.
Khác với tất cả các loại hàng hóa, điện có đặc thù là sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời và phải có hệ thống truyền tải, nên các ý tưởng, kế hoạch phát triển nguồn cung điện phải bao quát được ở tầm tổng thể, nếu không sẽ rất dễ dẫn đến bế tắc.
Hiện tại, giá điện bán lẻ bình quân là 1.864,4 đồng/kWh, trong khi điện mặt trời được mua với giá 9,35 UScent/kWh (tương đương tầm 2.086 đồng/kWh), khiến bên mua điện mặt trời và phát lên lưới bị lỗ khoảng 221,6 đồng/kWh.
Với mức sản lượng điện mặt trời đang phát hiện nay khoảng 20 triệu kWh/ngày, riêng việc mua điện mặt trời với giá 2.086 đồng/kWh và bán lại với giá bình quân là 1.864,4 đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải bù lỗ khoảng 4 tỷ đồng/ngày.
Như vậy, càng mua nhiều điện mặt trời, thì tài chính của bên mua điện cho các nhà máy điện mặt trời và bán điện tới người tiêu dùng hiện nay là EVN sẽ càng căng thẳng.
EVN là doanh nghiệp, cũng phải đề cao hiệu quả hoạt động, do đó, việc bù lỗ cho điện mặt trời này sẽ không thể thực hiện được lâu dài và trên diện rộng nếu không có các chính sách tài chính được Nhà nước đưa ra.
Đó là chưa kể, điện mặt trời chỉ phát được từ 7 giờ sáng tới 18 giờ hàng ngày với công suất không đồng đều, nên vẫn cần có nguồn điện dự phòng khác để bù đắp cho lúc nguồn này sụt giảm. Như vậy, chi phí phát điện của toàn hệ thống sẽ tiếp tục bị đẩy lên rất cao.
“Giá điện mặt trời không cần bù lỗ thì có thể cho tự do phát triển, nhưng nếu cuối cùng Nhà nước vẫn phải bù lỗ, thì cũng cần có giới hạn”, một chuyên gia ngành điện nêu quan điểm.
Theo vị này, cần tính toán rành mạch việc bù lỗ hàng năm cho mua điện mặt trời so với giá bán lẻ điện hiện nay cũng như các vấn đề liên quan như lưới truyền tải để có chính sách về phát triển điện mặt trời nói riêng và các loại hình năng lượng tái tạo khác nói chung ở mức độ nào là phù hợp, bởi không thể bù lỗ mãi.
Đau đầu chuyện chia giá điện mặt trời thành 2 hay 4 vùng
Hiện tại, Bộ Công thương vẫn kiên quyết bảo lưu ý kiến chia giá điện mặt trời thành 4 vùng, thay vì đồng loạt 1 mức giá như tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, hay chia thành 2 vùng.
Bình luận về việc giá điện chia theo 4 vùng, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho hay, giá theo 4 vùng sẽ tốt hơn cho điều chỉnh chính sách vì nó thể hiện sự điều tiết về truyền tải. Thông điệp về giá 4 vùng là, trong ngắn hạn tới năm 2021, vùng 4 không có khả năng giải quyết vấn đề truyền tải, nên phải hạn chế đầu tư và điện mặt trời áp mái được ưu tiên hơn trong mấy năm tới.
“Nếu có đẩy nhanh xây dựng lưới truyền tải thì tới năm 2021 - 2022 cũng mới chỉ đủ để xử lý các dự án điện mặt trời đã xây ở đây và các dự án được cho phép kéo dài cơ chế mua tới năm 2020 tại Ninh Thuận”, ông Sơn nhận xét.
Nhất trí với quan điểm về 4 vùng giá, ông Lê Anh Đức, chủ đầu tư Dự án Điện mặt trời Phước Hữu cho hay, trong 2 năm tới, việc chia làm 4 vùng giá sẽ hợp lý hơn với suất đầu tư như hiện nay. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, nên khuyến khích phát triển dự án ở những nơi có nhiều bức xạ hơn để đạt hiệu quả cao. “Bao giờ suất đầu tư điện mặt trời và pin lưu trữ dưới 400.000 USD/MW thì có thể phát triển được khắp các nơi. Khi đó, giá điện mặt trời có pin lưu trữ cần đạt 6,5 UScent/kWh để đảm bảo an toàn lưới điện và không bị giảm tải”, ông Đức nói.
Chia sẻ quan điểm giá 4 vùng, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho rằng, đây là bài toán tổng chi phí bằng nhau. Nếu chỉ có 2 vùng thì các nhà đầu tư sẽ tập trung vào làm ở khu vực hiệu quả hơn và chi phí đưa điện đến người tiêu dùng ít nhất cũng phải cỡ 3.000 đồng/kWh, cao hơn rất nhiều so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay.
Dẫu vậy, muốn tính lại, cần phải tới hết năm 2019 mới có tổng thể các thông số đầu vào, trong khi yêu cầu hiện tại là giá điện mặt trời phải được áp dụng mới từ ngày 1/7/2019 để các nhà đầu tư biết đường hướng.
Do đó, chọn phương án giá điện mặt trời nào để áp dụng từ ngày 1/7/2019 và áp dụng trong thời gian bao lâu đang là vấn đề làm đau đầu các cơ quan nhà nước, sau khi các dự án điện mặt trời bổ sung đã được triển khai cấp tập trong năm 2017- 2018, bất chấp phá vỡ Quy hoạch Phát triển điện đang sẵn có.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận