Món Huế 'đột tử' do quản trị công ty chứ không phải quản trị kinh doanh
Những điểm yếu về quản trị kinh doanh không thể làm cho Huy Việt Nam (sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế) với vốn đầu tư 70 triệu USD chết một cách đột ngột và bất ngờ như vậy, ông Lâm Minh Chánh nhận định.
Ngày 22/10, chuỗi nhà hàng Món Huế đột ngột đóng cửa trong khi còn nợ chưa thanh toán cho các nhà cung cấp, nợ lương nhân viên, đã làm xôn xao dư luận và giới kinh doanh Việt Nam. Có rất nhiều bài viết trên báo và mạng xã hội phân tích về những yếu huyệt trong quản trị kinh doanh dẫn đến sự xuống dốc và phá sản không thể cưỡng của chuỗi nhà hàng này.
Ông Lâm Minh Chánh, sáng lập Trường quản trị kinh doanh BizUni, đồng sáng lập Group Quản trị và khởi nghiệp, nhìn nhận: Các phân tích nguyên nhân thất bại của Món Huế từ các chuyên gia như sự phát triển quá nóng, quản lý tài chính yếu kém, chất lượng nhân sự không theo kịp, chất lượng dịch vụ tệ hại, giá mặt bằng cao, lượng khách xoay vòng thấp, tỷ suất lợi nhuận thấp, sức ép cạnh tranh cao... đều có lý.
Những yếu tố về quản trị kinh doanh này chỉ có thể làm cho Huy Việt Nam chết từ từ chứ không thể giết chết một doanh nghiệp có vốn đầu tư 70 triệu USD một cách đột ngột và bất ngờ như vậy.
“Quản trị công ty (Corporate Governance) mới chính là thủ phạm bức tử Huy Việt Nam. Các quỹ đầu tư lớn, chắc do ỷ lại lẫn nhau, đã không quản trị được CEO/Giám đốc kiêm cổ đông sáng lập. Tiền không được kiểm soát và đã chạy ra khỏi công ty bằng những con đường nào đó. Đây là vấn đề về quản trị công ty và đạo đức của doanh nhân gọi vốn đầu tư. Case này, e rằng sẽ ảnh hưởng phần nào đó đến thị trường gọi vốn của các công ty Việt Nam”, ông Chánh khẳng định.
Tại sao ông nghĩ rằng các yếu tố về quản trị kinh doanh không phải là nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa đột ngột của chuỗi nhà hàng Món Huế và các doanh nghiệp thuộc Huy Việt Nam?
Với số vốn đó, chỉ mới thua lỗ kinh doanh ở mức 100 – 200 tỷ đồng/năm thì Món Huế có thể sống được đến ít nhất 10 năm. Món Huế không thể nào hết sạch số vốn đó và phải đột ngột đóng cửa chỉ sau vài năm kinh doanh, trừ phi tiền vốn đã được dùng vào mục đích khác.
Thứ hai, Món Huế hầu như không thể hiện tinh thần “chiến đấu” của một doanh nghiệp cận kề phá sản. Chúng ta không thấy sự cố gắng để tồn tại của Món Huế, không thấy dấu hiệu họ “quẫy” trước khi chết. Theo tôi, trường hợp của Món Huế, không quá khó để tồn tại. Chỉ cần Món Huế đóng cửa những nhà hàng không hiệu quả và củng cố lại hoạt động kinh doanh của số nhà hàng còn lại thì với số vốn lớn như vậy Món Huế có thể tồn tại khá lâu chứ không phải lâm vào tình trạng đóng cửa đột ngột như vậy. Chưa kể, nếu được thông báo rõ ràng, các quỹ đã đầu tư, sẽ có những phương án hỗ trợ, giải cứu cho Món Huế.
Thứ ba, ông Huy Nhật đã chọn cách ngừng việc kinh doanh đột ngột khi còn đang nợ nhà cung cấp, nợ lương nhân viên. Ông cũng không thông báo cho các đầu tư và cũng không tiến hành theo một trình tự đóng cửa, phá sản doanh nghiệp bình thường. Bản thân ông thì biến mất không ai liên lạc được. Nếu thua lỗ kinh doanh một cách bình thường thì ông Huy Nhật đã không chọn cách này.
Phân tích 3 lý do này, tôi không tin rằng Món Huế, với số vốn đầu tư 70 triệu đô la Mỹ phải đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả chỉ sau 2, 3 năm thua lỗ.
Ông cho rằng nguyên nhân chính là dòng vốn đầu tư 70 triệu USD đã không đưa hết vào trong việc kinh doanh?
Đây là vấn đề thuộc về quản trị công ty (Corporate Governance). Trong tọa đàm “Phân định vai trò giữa lãnh đạo, quản trị và quản lý vận hành doanh nghiệp” do báo TheLEADER vào tháng 9/2019, tôi cũng đã từng phát biểu muốn gọi vốn đầu tư, muốn đại chúng hóa, muốn phát triển công ty thì các doanh nghiệp Việt cần phải nâng cao việc quản trị công ty.
Quản trị công ty, hiểu cơ bản nhất là những chính sách, nguyên tắc và công cụ được đặt ra nhằm mục đích kiểm soát, giám sát, quản lý nhưng không can thiệp quá sâu vào hoạt động, vận hành của công ty. Một trong những mục đích thiết thực của quản trị công ty là làm sao cho những người chủ sở hữu, các cổ đông, nhà đầu tư cảm thấy yên tâm khi giao tài sản của mình cho người khác – ban điều hành công ty - quản lý và khai thác.
Theo diễn biến hiện nay, thì tại công ty Huy Việt Nam các cổ đông thuộc các quỹ đầu tư đã không thể kiểm soát cổ đông sáng lập kiêm tổng giám đốc, và các thành viên của ban điều hành. Thông thường, các quỹ đầu tư sẽ kiểm soát vị trí kế toán trưởng, hay giám đốc tài chính, hoặc giảm rủi ro bằng cách giải ngân theo tiến trình. Tại Huy Việt Nam việc kiểm soát có vẻ lỏng lẻo. Có thể các quỹ đầu tư quá tin ông Huy Nhật, hoặc có thể họ ỷ lại, tin tưởng vào nhau, quỹ này nghĩ rằng quỹ kia sẽ làm việc kiểm soát. Họ thiếu sự phối hợp để quản trị, giám sát ban điều hành. Bây giờ thì mọi việc đã bị muộn rồi.
Ông có thể nói thêm về quản trị công ty đặc biệt là mối quan hệ giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp, startup gọi vốn?
Thực tế thì có “một bộ phận” doanh nhân, startup sau khi gọi vốn thành công đã cố tình không chơi theo luật, theo quy định. Trước khi gọi vốn thì họ hứa hẹn này nọ, còn sau khi đã nhận vốn thì họ bắt đầu “múa”. Trước Huy Việt Nam, cũng có một vụ mâu thuẫn lớn giữa nhà đầu tư vào Nhóm mua và CEO/sáng lập Nhóm Mua. Nhà đầu tư đã cáo buộc và miễn nhiệm vị CEO này.
Một số bộ phận doanh nghiệp/startup không sử dụng vốn đúng như mục đích kêu gọi vốn: Có startup lo đi trả nợ cũ, có startup xài tiền “vô tội vạ”, có startup lại dùng tiền vốn để nghiên cứu theo sở thích của mình thay vì đưa vào kinh doanh, có startup không thèm báo cáo cho nhà đầu tư... Những trường hợp kể trên không phải là hiếm. Ở tầm starup thì chưa có thể setup được quản trị công ty. Nhà đầu tư vì thế ngoài việc xem xét hiệu quả kinh doanh, còn bỏ rất nhiều thời gian, công sức để đánh giá đạo đức, con người của người sáng lập trước khi quyết định đầu tư. Khi đã giải ngân vốn rồi thì nhà đầu tư “cầm lưỡi, chứ không còn cầm cán” nữa.
Ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp, startup về việc gọi vốn?
Theo tôi, doanh nhân và startup muốn đi dài, muốn thành công thì phải luôn giữ sự cam kết và uy tín bản thân.
Xin cám ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận