24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tiến Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Môi trường đầu tư Việt Nam liên tục được cải thiện

Môi trường đầu tư liên tục được cải thiện tích cực, cộng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng và thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Chất lượng lao động được cải thiện

Sau hơn 10 năm đặt chân đến Việt Nam, từ một nhà máy hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại Khu công nghiệp Quế Võ - tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo một doanh nghiệp Ấn Độ vừa quyết định mở thêm nhà máy thứ 4 tại Việt Nam (trong đó 3 nhà máy tại Bắc Ninh và 1 nhà máy tại tỉnh Hưng Yên), bất chấp dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Nói về lý do liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư này cho biết: Không chỉ ổn định, môi trường đầu tư Việt Nam những năm gần đây còn có sự cải thiện tích cực cả về chỉ số điện năng, cơ sở hạ tầng giao thông, chính sách thu hút đầu tư và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực.

Nhớ lại năm 2010, khi đầu tư nhà máy đầu tiên tại Khu công nghiệp Quế Võ chính thức đi vào hoạt động, vị này cho biết: Để tìm kiểm được một lao động có kỹ năng mà lại biết ngoại ngữ tại Việt Nam là rất khó, vì thế khi đăng tin tuyển dụng, có người nói được tiếng Anh là tôi nhận luôn mà không quan tâm đến chuyên môn của họ là gì, nhưng sau 10 năm, hầu như tất cả các nhân viên Việt Nam trong nhà máy của tôi đều có thể nói được tiếng Anh và kỹ năng của họ cũng có sự thay đổi rất nhiều so với trước đây. Theo đó, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng đưa đến quyết định mở rộng đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Cũng thể hiện sự hài lòng về chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam, ông Kim Heung-Soo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) - cho biết: Giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn Hàn Quốc, nhưng không hề thấp hơn so với các quốc gia lân cận hay khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, bên cạnh giá nhân công và chất lượng nguồn nhân lực thì các yếu tố như môi trường kinh doanh được cải thiện liên tục cùng hệ thống thuế, thủ tục hành chính, hải quan được nâng cấp chính là yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Nơi hội tụ của những tập đoàn toàn cầu

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến thời điểm hiện tại (tháng 3/2021), Việt Nam có 33.294 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 393,3 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI là 236,96 tỷ USD, bằng 60% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 230 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 60,8 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực phân phối điện, nước với 33,6 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.

Đặc biệt, trong số các dự án FDI đầu tư tại Việt Nam có rất nhiều dự án lớn của các thương hiệu toàn cầu, điển hình như: Samsung, LG (Hàn Quốc); Toyota, Honda, Canon (Nhật Bản); Piagio (Italia); Bosch (Đức)…

Riêng 3 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt con số 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn thực hiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng thời điểm 2020. Đặc biệt, trong số những dự án đầu tư 3 tháng đầu năm, có rất nhiều dự án có số vốn đăng ký lên tới hàng tỷ USD. Điển hình là: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), có tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất đện tại Long An; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), có tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD…

Hiện có 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng đầu với tổng vốn đăng ký 71,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ 2 với 62,5 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả