24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trung Thành
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mỗi tháng xử lý khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu không phải việc riêng ngành ngân hàng mà cần sự vào cuộc cũng như trách nhiệm của hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương.

Ngày 15/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1058).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, sau 2 năm triển khai, về cơ bản, các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững.

Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố, vốn điều lệ tăng dần, tính minh bạch trong hoạt động tín dụng cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Báo cáo về kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31/8/2019 là 1,98%).

Theo ông Nguyễn Trọng Du thực tế triển khai cho thấy, Nghị quyết 42 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trước đây. Lũy kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Ông Nguyễn Trọng Du nhận định, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Để xử lý nợ xấu triệt để hơn, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, các cơ chế chính sách hỗ trợ cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, quy định về quản trị, điều hành, quản lý rủi ro của các tổ chức tín dụng...

Đặc biệt, ngành ngân hàng tập trung xử lý phương án tái cơ cấu một số ngân hàng mua bắt buộc trên cơ sở bảo đảm; tuân thủ đúng quy định và tiếp tục xử lý các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém, cũng như phối hợp với các bộ, ngành chủ quản xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là công ty con của tập đoàn trực thuộc...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu xử lý nợ xấu đến năm 2019 là 5%, mục tiêu đến 2020 là 3% hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng để làm được thì kinh tế vĩ mô phải ổn định, phải gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng với các cú va đập, cú sốc từ kinh tế bên ngoài. Hơn nữa, ngành ngân hàng phải kiên trì, hài hòa, thực hiện chia sẻ rủi ro theo nguyên tắc thị trường và quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng các ngân hàng cũng phải tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.

"Muốn xử lý nợ xấu thì các ngân hàng phải tuân thủ và thượng tôn pháp luật, đảm bảo các tỷ lệ an toàn, tăng cường bồi dưỡng, phát huy văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải nâng cao năng lực, có giải pháp tăng vốn điều lệ để đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, các ngân hàng phải có phương án kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là phải nâng cao chất lượng tín dụng, gia tăng nguồn vốn từ các lĩnh vực phi tín dụng, dịch vụ.

Theo Phó Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động xây dựng đề án xử lý nợ xấu cho các dự án yếu kém và thua lỗ của nhà nước; chủ động cơ cấu, nếu giảm được lãi suất là rất tốt cho nền kinh tế và lên các phương án về hợp vốn ngân hàng cho các dự án giao thông lớn... Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ phương án tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu không phải việc riêng ngành ngân hàng mà cần sự vào cuộc cũng như trách nhiệm của hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả