Mỗi tấn thép giảm một triệu đồng trong tháng 4
Trong một tháng, nhiều đơn vị điều chỉnh giá thép 2-3 lần liên tiếp, hiện mỗi tấn giảm khoảng một triệu đồng, về quanh 15 triệu đồng.
Hòa Phát (HPG) vừa hạ giá thép cuộn CB240 về 15 triệu đồng một tấn, giảm 200.000 đồng so với hồi giữa tháng. Thép thanh vằn CB300 D10 cũng được điều chỉnh 130.000 đồng về 15,45 triệu đồng một tấn. Đây là lần thứ ba trong tháng này, Hòa Phát giảm giá thép, lũy kế đến nay đã hạ gần một triệu đồng mỗi tấn.
Tương tự, các thương hiệu khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Nhật, Pomina... cũng liên tục điều chỉnh giá bán sản phẩm. Như vậy, sau giai đoạn tăng 6 lần liên tiếp trong tháng 1 và tháng 2, mặt bằng giá thép nay trở lại mức đầu năm.
Giá thép giảm tương đồng với dự đoán của nhiều bên quan sát thị trường. Steel Online - đại lý toàn quốc của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoie, Pomina, từng chia sẻ với VnExpress hồi đầu tháng rằng, thị trường đã được kích hoạt xu hướng điều chỉnh giá bán. Nguyên nhân là hết hạn phòng vệ thương mại và nhu cầu kém vì ảnh hưởng chính sách kiềm chế lạm phát, giảm chi tiêu trong toàn xã hội, các vấn đề về bất động sản chưa được tháo gỡ, dự án công được triển khai khá ít không thể gánh được nguồn cung hiện tại.
Theo số liệu từ đơn vị này, sản lượng tiêu thụ thép ba tháng đầu năm giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng đưa ra thống kê, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 6 triệu tấn, giảm hơn 25% so với cùng kỳ, riêng xuất khẩu giảm 9%. Trong khi sản xuất thép thành phẩm đã giảm 21%, chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất vẫn lên đến hơn 600.000 tấn.
VSA lý giải thêm giá thép giảm còn do giá nguyên liệu sản xuất đang đi xuống giúp các doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán phù hợp với chi phí đầu vào. Ngoài việc giảm giá, nhiều nhà máy thông báo bảo lãnh giá nên trong trường hợp giá nguyên vật liệu chính cho sản xuất như thép phế, phôi thép tiếp tục đi xuống, giá thép xây dựng có thể sẽ giảm tiếp.
Không chỉ đơn vị quan sát thị trường, chính các doanh nghiệp cũng thẳng thắn cho rằng tương lai ngành thép tiếp tục gặp khó. Lãnh đạo Thép Nam Kim (NKG) nói trong cuộc họp thường niên sáng nay rằng, toàn ngành sẽ khó khởi sắc khi bất động sản vẫn khó khăn. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng có thể tăng trưởng chậm hơn dự kiến do ảnh hưởng của việc mất giá tiền tệ diễn ra trên toàn cầu. Doanh nghiệp này tập trung vào chiến lược quản trị hàng tồn để chống chọi với chu kỳ giảm giá thép.
Lãnh đạo Hòa Phát cũng chia sẻ trong phiên họp thường niên cuối tháng 3, nhu cầu thị trường hiện tại thấp. Doanh nghiệp này kỳ vọng đầu tư công được đẩy mạnh và bất động sản khởi sắc hơn để giúp tiêu thụ thép phục hồi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận