Mối nguy từ những dự án tổng thầu EPC của nhà thầu Trung Quốc
Chuyên gia cho rằng có nhiều hệ lụy từ các dự án đến từ hình thức tổng thầu (EPC), thậm chí có người còn cho rằng, cần phải "tiêu diệt" EPC của Trung Quốc.
Trong nửa đầu năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, với 1.676,8 triệu USD, chiếm 22,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tổng mức vốn FDI đăng ký bởi các quốc gia Đông Bắc Á và Việt Nam.
Hệ luỵ từ tổng thầu EPC của Trung Quốc
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào Việt Nam tăng qua từng năm, song còn chiếm tỉ trọng tương đối nhỏ so với các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng lại gây ra nhiều hệ quả về môi trường, xã hội, thị trường lao động,...
Đặc biệt, ông Thành cũng cho rằng, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức tổng thầu EPC sẽ gây ra nhiều hệ lụy về dài hạn cho Việt Nam. “Ở “sân” Việt Nam, Trung Quốc là người đến sau, vốn rót vào tăng khá nhanh nhưng không có gì quá đặc biệt. Họ “rải” đầu tư khá đều cả về địa bàn phân bổ cũng như ngành nghề. Tuy nhiên, điều đáng nói là những ảnh hưởng của nguồn vốn từ nền kinh tế này lại đến từ hình thức tổng thầu (EPC), tiêu biểu nhất trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng, gây ra những lo lắng có cơ sở”, ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR, đồng tác giả báo cáo nghiên cứu nói trên cho biết, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức EPC của Trung Quốc trên thực tế có gây ra một số hệ quả về môi trường, xã hội, thị trường lao động, hiệu quả kinh tế…
Cụ thể, theo chuyên gia, cùng với Dự án Cát Linh - Hà Đông, nhiều dự án do Tổng thầu EPC Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam, hiện cũng rơi vào tình trạng "khốn đốn".
Như Dự án xây dựng nhà máy gang thép. Chủ đầu tư Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), với tổng mức đầu tư 3800 tỷ đồng (tương đương 242 triệu USD). Tổng thầu EPC Công ty tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MMC).
Khởi công từ năm 2007 với thời gian thi công dự kiến 30 tháng, Chủ đầu tư và Nhà thầu ký hợp đồng với giá trị trọn gói là 160.8 triệu đô (đã bao gồm các loại thuế, phí), con số này sẽ không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.
Tuy nhiên, tới năm 2013, dự án vẫn chưa hoàn thành, Chủ đầu tư đề nghị nâng tổng mức đầu tư dự án lên 8104 tỷ đồng (tăng 4261 tỷ đồng). Cuối năm 2013 thì tổng thầu MCC dừng thi công. Vì vậy tới thời điểm này là năm 2019 dự án vẫn chưa hoàn thành. Tại thời điển tổng thầu MCC rút về nước, TISCO đã thanh toán trên 92% giá trị hợp đồng. Trong khi đó MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam. Tháng 2/2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả điều tra với nhiều sai phạm từ phía Chủ đầu tư và yêu cầu rà xoát lại các điều khoản trong hợp đồng EPC để khởi kiện nếu cần.
Tương tự, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Chủ đầu tư Tập đoàn công nghiệp hóa chất Việt Nam, tổng mức đầu tư 667 triệu USD. Dự án này do Tổng thầu EPC là Tổng công ty tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc).
Dự án khởi công năm 2008, thời gian thi công dự kiến 42 tháng. Tổng thầu thi công chậm 420 ngày làm phát sinh khoản chi phí là 527 tỷ đồng. Đến nay Chủ đầu tư và Nhà thầu vẫn chưa thống nhất được khoản tiền phạt chậm tiến độ. Chủ đầu tư nhận bàn giao tạm thời nguyên trạng nhà máy từ Nhà thầu khi các thông số kỹ thuật chưa đạt theo Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và Hợp đồng EPC đã ký. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, nhà mày sẽ lỗ trong 3 năm đầu và có lãi từ năm thứ 4 trở đi, tuy nhiên tới năm thứ 4 nhà mày vẫn lỗ 364 tỷ đồng.
Cũng theo khảo sát của VEPR tại 30 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, hiện có 19 nhà máy đang gây ra các sự cố về môi trường. Trong số này, có 74% số nhà máy là của Trung Quốc, còn lại Nhật Bản chiếm 10%; Hàn Quốc chiếm 5%; Việt Nam chiếm 11%.
Sàng lọc dự án công nghệ cao, thân thiện
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài cho hay, trong 3 năm gần đây, nhất là cuối năm 2018 và đầu năm 2019, nhà đầu tư Trung Quốc có sự đột phá đầu tư vào Việt Nam. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc và HongKong là những nhà đầu tư có giá trị đầu tư vào Việt Nam ở thứ hạng rất cao, so sánh với Mỹ giá trị đầu tư từ khu vực này cao gấp nhiều lần.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6/2019, Việt Nam thu hút 1.723 dự án FDI cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, tăng 26,1% về số dự án và giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh đó, có 628 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.935,4 triệu USD, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 10.347,2 triệu USD, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý,trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.676,8 triệu USD, chiếm 22,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc (1.239,2 triệu USD), Nhật Bản (972 triệu USD), Hong Kong (Trung Quốc), Singapore...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận