Mỏi mòn chờ đền bù ở dự án thủy điện
Hàng ngàn người dân hơn chục năm qua vẫn chưa được nhận tiền đền bù chênh lệch đất nông nghiệp khi đến nơi ở mới để nhường chỗ cho các dự án thủy điện
Để Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (320 MW) và Thủy điện Hủa Na (180 MW) đi vào hoạt động, hàng ngàn hộ dân ở tỉnh Nghệ An đã phải rời nơi ở cũ đến các khu tái định cư ở.
Nhiều năm chưa được nhận đền bù
Hơn 15 năm trước, để lấy đất xây dựng thủy điện Bản Vẽ, người dân 4 xã của huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) với tổng số 2.910 hộ đã phải di dời tái định cư. Trong đó, 2.674 hộ chuyển về khu tái định cư ở huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), lập nên 2 xã mới là Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Chuyển về nơi ở mới nhiều năm nhưng tới nay các hộ dân tái định cư vẫn chưa nhận được tiền bồi thường giá trị chênh lệch về đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến.
Bà Vi Thị Lan (45 tuổi, xã Ngọc Lâm) bức xúc: "Về nơi ở mới hơn chục năm rồi nhưng đến nay gia đình tôi cũng như các hộ dân nơi đây chưa ai nhận được khoản tiền đền bù chênh lệch giữa đất nơi đi và nơi đến. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều hỏi nhưng mãi không thấy gì cả. Có được hưởng hay không thì các ban, ngành liên quan phải trả lời cho người dân được biết".
Ông Lô Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, cho hay việc đo đạc bàn giao thực địa đất sản xuất trước đây với thực địa hiện nay chưa bảo đảm, cơ quan chức năng đang đo đạc lại hiện trạng sử dụng đất của người dân. Sau khi hoàn chỉnh sẽ cấp sổ đỏ, sau đó mới có cơ sở để đối chiếu nơi đi, nơi đến để đền bù cho dân.
Về nơi ở mới nhiều năm nhưng các hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vẫn chưa được hưởng đền bù đất nông nghiệp
Tương tự, tại huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An), để lấy đất xây dựng thủy điện Hủa Na, năm 2008, nhiều hộ dân cũng phải di dời đến khu tái định cư. Tuy nhiên, đến nay đã 15 năm trôi qua, gần 900 hộ dân nơi đây vẫn mòn mỏi chờ tiền đền bù chênh lệch giữa nơi đi và nơi đến.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân của sự chậm trễ là do 887 hộ thuộc diện di dời theo dự án phải thực hiện đối trừ. Do vướng mắc về phương án tính đối trừ nên đến nay vẫn chưa được hoàn thành. Quan điểm của chủ đầu tư là áp phương án tính đối trừ tổng đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến của cả hộ. Còn quan điểm của UBND huyện Quế Phong là áp phương án tính đối trừ từng loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất lâm nghiệp...). Theo thống kê sơ bộ, số tiền chênh lệch nơi đi và nơi đến phải chi trả cho người dân của huyện Quế Phong khoảng hơn 38 tỉ đồng.
Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết trước đây có vướng mắc cách hiểu về Luật Đất đai, việc áp giá đền bù chênh lệch đối trừ nơi đi và nơi đến chưa được giải quyết. Hiện tại, địa phương cũng tiến hành khảo sát tại dự án thủy điện Sơn La. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tham mưu UBND tỉnh ra quyết định đền bù theo hướng đất nông nghiệp nơi đến trừ đi đất nơi đi, nếu nơi đến ít hơn nơi đi thì sẽ đền bù cho dân bằng tiền theo giá đất, còn nếu đất nông nghiệp nơi đến nhiều hơn nơi đi thì người dân không phải trả tiền đất dư ra.
Đời sống khó khăn, cơ sở vật chất thiếu, người dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An dựng lều họp chợ ven đường
Sớm chi trả tiền cho người dân
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Hủa Na, cho biết việc chi trả tiền chênh lệch đất nơi đi và nơi đến cho người dân chậm là do sau một thời gian dài chưa thống nhất được phương án. Huyện Quế Phong và đơn vị đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, sau đó xin ý kiến tỉnh, rồi gửi xin ý kiến bộ và Chính phủ. Vừa qua, huyện có đi thực tế tại một số dự án tái định cư do nhà nước chỉ đạo để tham khảo và đã thống nhất được phương án cuối cùng là đối trừ. Ông Sơn thừa nhận việc người dân nhường đất cho dự án đến nơi ở mới mà chưa được nhận đền bù chênh lệch là thiệt thòi.
Liên quan đến vướng mắc của các dự án thủy điện, ngày 13-2-2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định thành lập tổ công tác giải quyết tồn tại, vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án thủy điện trên địa bàn. Cuối tháng 4, tổ công tác đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với các địa phương…
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết với diện tích đất nông nghiệp, do trước đây quá trình giao đất so với thực tế hiện tại có nhiều chênh lệch nên Sở TN-MT không duyệt để cấp sổ. Chủ đầu tư thủy điện đang phối hợp chính quyền địa phương rà soát, cân đối lại đất cấp cho các hộ dân, bảo đảm tất cả người dân phải có đất sản xuất. Việc cân đối đất cơ bản đã thực hiện xong, đang niêm yết công khai, sau đó trình Sở TN-MT phê duyệt.
Ông Bùi Văn Hiền cho biết công tác thống kê, đo đạc diện tích đất đang được khẩn trương thực hiện, sau khi chốt được số liệu về diện tích đất sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng huyện, xin ý kiến Thường vụ thông qua phương án thì sẽ có văn bản gửi thủy điện Hủa Na đề nghị cấp tiền chi trả cho dân. Dự kiến tháng 9-2023 huyện sẽ có thể chi trả tiền cho dân.
Chi trả tiền cho người dân sớm nhất
Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, cho biết mới đây tổ công tác do giám đốc sở tổ chức đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với các địa phương liên quan, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện về các tồn tại ở các dự án thủy điện. Đền bù giá trị chênh lệch đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến cho người dân là vấn đề tồn tại quá lâu. Sở đang khẩn trương đôn đốc, chỉ đạo các bên liên quan sớm giải quyết dứt điểm, trả tiền cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận