‘Mồi lửa’ nhập siêu bắt đầu bập bùng trở lại sau gần 2 năm
Sau 23 tháng xuất siêu, Việt Nam đã nhập siêu trở lại trong tháng 5/2025 với con số 1 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là liệu nhập siêu quay trở lại có đáng lo hay không?
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lo ngại áp lực lên tỷ giá
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,9%.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 ước tính nhập siêu 1,0 tỷ USD. Tuy vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD.
Như vậy, sau 23 tháng xuất siêu liên tục, nhập siêu đã quay trở lại. Theo một số chuyên gia, việc nhập siêu trong thời điểm này là dấu hiệu tốt, chứng tỏ nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Các DN bắt đầu tăng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Thống kê đã chứng minh, về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 139,89 tỷ USD, chiếm 94%.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế - tài chính, sáng lập viên Think Future Consultancy, dự báo xu hướng nhập siêu đang quay lại. Đặc biệt, còn 7 tháng nữa mới hết năm nên rất khó để giữ cán cân thương mại thặng dư lớn như năm 2023.
Ông Linh nhìn nhận, “mồi lửa” nhập siêu đã bắt đầu bập bùng trở lại. Theo vị chuyên gia này, điều này có thể tạo áp lực lên tỷ giá. Cụ thể, năm 2023, tỷ giá may mắn nhờ kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu xuống thấp giúp có xuất siêu. Từ đó, Việt Nam dư ngoại tệ và giữ được tỷ giá, không phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, sang năm 2024, khi nhu cầu nhập khẩu đi lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, tạo áp lực lên tỷ giá.
Ông Linh đánh giá, cung - cầu USD trên thị trường vẫn căng. Ngân hàng Nhà nước đã bán USD từ dự trữ nhưng rõ ràng lần này Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn, tránh hao tổn dự trữ nhanh như hồi 2022.
Xuất siêu hàng hóa nhưng nhập siêu dịch vụ
Không chỉ tác động của nhập siêu mà một số bất cập trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng được nhiều Đại biểu Quốc hội chỉ ra. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Hải Dương đã chỉ ra rằng tình trạng xuất siêu hàng hóa, nhưng nhập siêu dịch vụ vẫn gia tăng. Xuất khẩu dịch vụ còn hạn chế, nhất là dịch vụ vận tải chưa được tận dụng hiệu quả lợi thế địa lý và tiềm năng bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu.
Bên cạnh đó, Đại biểu Sơn chỉ ra rằng, báo cáo của Chính phủ cần nắm rõ những xu hướng, rào cản mới cho mở rộng xuất khẩu trong thời gian tới. Đặc biệt là các yếu tố phi thuế quan hoặc xu hướng thương mại xanh, bền vững hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hiệu quả thực thi các hiệp định cũng như kết quả về xuất khẩu trong giai đoạn tới. Các giải pháp của Chính phủ là gì để ứng phó với các rào cản thương mại này.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), đánh giá tình hình thế giới có những vấn đề bất ổn, ảnh hưởng tới đơn hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các DN. Khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu của nền kinh tế bị bào mòn đến mức cạn cực sau đại dịch COVID-19 của các DN. Bên cạnh đó, các chính sách, các quy định của pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng, nấc cũng là nguyên nhân chính dẫn đến DN phải giải thể.
Theo Đại biểu Nguyễn Việt Hà, Tuyên Quang, DN hiện nay đang thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Đây là khó khăn nổi cộm trong hoạt động kinh doanh của DN từ khi diễn ra dịch COVID-19, dù đến nay tình trạng này đã, đang được cải thiện nhưng vẫn là khó khăn lớn của DN.
Khảo sát từ Tổng cục Thống kê cho thấy, các yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN chế biến, chế tạo trong quý I/2024, yếu tố về nhu cầu thị trường trong nước thấp, chiếm 5,1%. Yếu tố về nhu cầu thị trường quốc tế thấp, chiếm 34,2%. Tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ năm 2023 đến nay đã khiến cho DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí phải giải thể vì không còn đủ sức chống chịu.
Vì vậy, đại biểu Việt Hà cho rằng cần quan tâm, chú trọng tạo thị trường xuất khẩu đa dạng, bền vững cho DN. Đồng thời, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách để phát huy tối đa nội lực của thị trường trong nước, trong đó tăng cường vai trò của các chính sách tài khóa như các chính sách đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua như miễn giảm gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, vận động phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận