Mối lo lớn nhất hiện nay: Vốn mắc kẹt trong bất động sản, trái phiếu
PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng một lượng lớn vốn của người dân và doanh nghiệp bị mắc kẹt trên thị trường tài sản là mối lo trên thị trường hiện nay. Theo luật sư Trương Thanh Đức, cần sửa Thông tư 06 để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Đây là những ý kiến đáng chú ý của các chuyên gia trong tuần qua.
'Cần sửa Thông tư 06 để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn'
Một trong những văn bản quy phạm pháp luật gây ồn ào thời gian qua là Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Ngay từ khi ra đời, thông tư này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng doanh nghiệp, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải ngưng hiệu lực thi hành điểm 8, 9, 10 khoản 2, Điều 1 trước khi Thông tư 06 có hiệu lực.
Chưa dừng lại ở đó, vừa qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã chỉ ra việc Ngân hàng Nhà nước quy định biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (điểm c, khoản 6, Điều 1 Thông tư 06) là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, cũng như hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xử lý các nội dung trái pháp luật trên, đồng thời rà soát quá trình thực hiện Thông tư 06 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có).
Xung quanh những ồn ào của Thông tư 06, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng về nguyên lý bảo đảm an toàn, Ngân hàng Nhà nước đã làm đúng khi ban hành Thông tư 06. Nhiệm vụ bảo đảm an toàn hệ thống của Ngân hàng Nhà nước quan trọng hơn nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ doanh nghiệp. Vì thế, khi nhận thấy những rủi ro có thể đe dọa an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước tất yếu phải ban hành quy định để ngăn ngừa.
Tuy nhiên, việc ban hành Thông tư 06 có mấy điều không phù hợp. Một là thời điểm không phù hợp, khi doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ thì lại tăng thêm quy định cấm. Hai là từ ngữ không chính xác và diễn đạt không rõ ràng, dẫn đến bị hiểu sai quy định và mới đây thì bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”. Do vậy, hệ quả là Thông tư 06 đã bị doanh nghiệp phản ứng dữ dội, dẫn đến phải ngưng thi hành ngay từ khi chưa kịp có hiệu lực.
‘Vốn của nền kinh tế đang mắc kẹt trên thị trường tài sản’
Năm 2023 đã chính thức khép lại với kết quả tăng trưởng GDP 5,05%, đánh dấu năm tăng trưởng thấp thứ 3 trong 12 năm qua (2011 – 2023), chỉ lớn hơn 2 năm dịch bệnh là 2020 và 2021.
Đánh giá về kết quả tăng trưởng năm qua, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng điểm tích cực là nền kinh tế đã thể hiện sự phục hồi qua các quý: quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%, quý IV tăng 6,72%, tính chung cả năm tăng 5,05%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn là rất thấp so với thời kỳ bình thường. Điều này phản ánh sự khó khăn lớn cả về phía cung và cầu của nền kinh tế.
Theo đó, đối với phía cầu, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu năm qua đều gặp khó khăn. Cụ thể, về tiêu dùng, có hai yếu tố khiến sức mua suy giảm mạnh là thu nhập của người dân đi xuống, đồng thời tỷ giá và lãi suất trong những tháng đầu năm không ủng hộ cho hành vi tiêu dùng. Đặc biệt đáng ngại là tâm lý bi quan tăng cao của người dân, khiến họ chuyển hành vi từ chi tiêu sang tiết kiệm.
"Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự ảm đạm của các trung tâm thương mại, tuyến phố mua sắm, cửa hàng kinh doanh trong năm nay – một biểu hiện rõ nét của việc sức mua giảm sút, bất chấp số liệu thống kê chính thức là bao nhiêu", PGS.TS Phạm Thế Anh nói.
Nhìn lại các vấn đề nổi cộm của năm qua, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, nỗi lo lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, chậm được cải thiện. Điều này đã kéo dài vài năm nay chứ không chỉ riêng năm 2023.
Bên cạnh đó, mối lo lớn thứ hai là hiện nay, một lượng lớn vốn của người dân và doanh nghiệp bị mắc kẹt trên thị trường tài sản, như: bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Sự mắc kẹt này khiến việc khơi dậy tiêu dùng, đầu tư tư nhân trở nên rất khó khăn.
Trung tướng Tô Ân Xô: Bộ Công an chủ trương 'làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng'
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023 được coi là điểm sáng trong kết quả công tác của hệ thống chính trị. Trong đó, lực lượng công an nhân dân là chủ chốt, chủ công trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực.
Chính vì vậy, Bộ Công an luôn theo chủ trương "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, triệt để thu hồi tài sản cho nhà nước, nhân dân.
Qua quá trình theo dõi các vụ án cho thấy, việc "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng" điển hình như: Vụ thao túng thị trường chứng khoán là FLC; thao túng trái phiếu là vụ Tân Hoàng Minh; thao túng ngân hàng vụ SCB; và một số vụ án khác.
Qua các vụ án này, những người nào có ý đồ, tiếp tục thao túng thì sẽ chùn bước.
Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, trong năm qua, qua các vụ án "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng" thì thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng tốt lên.
Thủ tướng giao chỉ tiêu: 2024 làm xong ít nhất 130.000 căn NƠXH
Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá nước ta còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức như sức ép lạm phát còn cao do giá dầu thô, lương thực biến động mạnh và lạm phát, lãi suất thế giới tiếp tục neo ở mức cao. Tình hình sản xuất kinh doanh, đơn hàng, thị trường quốc tế bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. Thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy đã được tập trung xử lý những vướng mắc, có bước phục hồi nhưng còn tiềm ẩn rủi ro.
Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và 4/12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Trong đó, phấn đấu năm 2024 hoàn thành ít nhất 130.000 căn.
‘Không có bứt phá trong sản xuất công nghiệp năm 2023’
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 có chuyển biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm, quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, quý IV/2023 ước tăng 5%, quý III tăng 2,8%, quý II giảm 0,2%, quý I giảm 2,6%.
Trong số 4 ngành công nghiệp cấp 1, có 2 ngành giảm sâu, tăng mức thấp so cùng kỳ năm trước (ngành khai khoáng giảm 3,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6% so cùng kỳ, cũng là năm có tốc độ tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây) song cũng có 2 ngành tăng trưởng khá là ngành sản xuất, phân phối điện tăng 3,5% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,8%.
Với 33 ngành công nghiệp cấp 2, có 21 ngành có tăng trưởng so với cùng kỳ (chiếm 63,6%).
Điều đáng chú ý khác là một số ngành chủ lực cả năm có tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: ngành dệt, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm thuốc lá...
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho rằng dù sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực dần theo thời gian nhưng trong cả năm 2023 không có sự bứt phá, tăng tốc mà tăng trưởng chậm.
Những nguyên nhân cơ bản được chỉ ra là kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt những vẫn ở mức cao. Trong nước, đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Vì vậy, ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng chung, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận