Mối lo của Sawaco
Sawaco cung cấp nước 23/24 quận huyện trong thành phố. Tuy nhiên, đơn vị này lại đang mất quyền quyết giá mua bán sỉ nước sạch với các công ty “con” đã được cổ phần.
Chi phối ngành nước tại Sài Gòn
Hệ thống cấp nước Sài Gòn bắt đầu xây dựng từ thời Pháp thuộc (những năm 1880) và đến nay là hệ thống có quy mô lớn nhất Việt Nam. Cấu thành cơ bản của hệ thống này gồm 3 bộ phận: nguồn nước, các hệ thống xử lý nước và hệ thống phân phối. Nguồn nước hiện nay chủ yếu là nước mặt chiếm 95% được khai thác từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Theo quy hoạch cấp nước TP HCM đến năm 2025, tổng nhu cầu nước toàn thành phố là 3,57 triệu m3/ngày, trong đó nước sinh hoạt cần 1,9 triệu m3/ngày. Với nhu cầu lớn, thành phố dự kiến đến 2025 có 6 nhà máy nước (NMN) tại nguồn sông Đồng Nai, 5 NMN lấy nguồn sông Sài Gòn và một số nguồn nước ngầm.
Từ năm 2014, TP HCM chủ trương đẩy nhanh việc cung cấp nước sạch với mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch. Trong năm 2018, Sawaco đã thực hiện cấp nước đạt 100% cho 1,9 triệu hộ dân tại 23/24 quận huyện (trừ huyện Củ Chi do CTCP Cấp nước Hạ tầng nước Sài Gòn đảm nhận). Sản lượng nước năm 2018 của Sawaco là 683 triệu m3 và tiêu thụ được 524 triệu m3.
Với sản lượng cấp nước trên, tổng doanh thu của Sawaco hiện đã xấp xỉ 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Với việc công suất nước liên tục gia tăng và chính sách giá mới sắp được áp dụng, doanh thu các năm tới của Sawaco còn có thể tăng nhanh hơn.
Cơ cấu doanh thu của Sawaco vẫn phụ thuộc toàn bộ vào mảng kinh doanh nước sạch, năm 2018 là 4.820 tỷ đồng (tỷ trọng 97%). Lợi nhuận gộp từ kinh doanh nước là hơn 2.059 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp gần 43%, một mức sinh lời rất hấp dẫn đối với ngành sản xuất.
Tuy nhiên, Sawaco có các khoản chi phí rất lớn ăn mòn dần lợi nhuận. Năm 2018, doanh nghiệp có chi phí lãi vay 243 tỷ đồng, chi phí bán hàng 1.621 tỷ đồng (chủ yếu là khấu hao tài sản và dịch vụ mua ngoài do nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động) và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 550 tỷ đồng. Theo đó, công ty chỉ có lợi nhuận trước thuế 406 tỷ và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 259 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng vào khoảng 5,3%.
Theo thời gian, chi phí khấu hao giảm dần sẽ làm tăng lợi nhuận trong tương lai, cùng với việc hưởng lợi từ tăng công suất và giá nước tăng. Ngược lại, bài toán nợ vay và chi phí lãi sẽ là áp lực lớn khi doanh nghiệp đang tăng vay nợ lên trên 4.500 tỷ đồng.
Trong đợt tổng kết 9 tháng, Sawaco ước sản lượng nước đạt 411 triệu m3, tăng 6,4% so với cùng kỳ và đạt 75% kế hoạch năm. Doanh thu tiền nước ước đạt 3.792 tỷ đồng, bằng 73% kế hoạch năm và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện Sawaco sở hữu 100% vốn 2 nhà máy nước lớn nhất Sài Gòn là NMN Thủ Đức (750.000 m3/ngày) và NMN Tân Hiệp (300.000 m3/ngày). Ngoài tự sản xuất, Sawaco còn mua sỉ nước sạch từ các nhà máy xã hội hóa như Kênh Đông, BOO Thủ Đức (Thủ Đức II), BOT Bình An, Tân Hiệp II… Bên cạnh sản xuất, Sawaco cũng nắm phần lớn thị phần cấp nước thông qua các đơn vị thành viên như Cấp nước Chợ Lớn, Bến Thành, Gia Định, Thủ Đức, Nhà Bè, Tân Hòa…
Mối lo cổ đông ngoài thao túng
Mới đây, lấy lý do giá nước từ năm 2013 đến nay chưa được điều chỉnh, khiến tình hình tài chính của Tổng công ty bị ảnh hưởng, trong khi phải đảm bảo, duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện “nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội”, Sawaco đã kiến nghị UBND TP.HCM điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch cho người tiêu dùng để Tổng công ty điều chỉnh giá mua bán sỉ nước sạch với các đầu mối cung cấp.
Trước kiến nghị này của Sawaco,UBND TP.HCM cho biết đang xem xét dự thảo về việc tăng giá nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố lộ trình 2019 - 2022, do Sở Tài chính soạn thảo sau khi tham khảo nhiều ngành chức năng.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, giá nước hiện nay được áp dụng từ năm 2013, nên đã lạc hậu. Nếu không điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến chất lượng nước khó được cải thiện, nâng cao. Vì vậy, sắp tới, Thành phố sẽ điều chỉnh theo hướng tăng.
Theo Dự thảo của Sở Tài chính, đối với hộ dân cư trên địa bàn Thành phố, giá nước năm 2019 tăng 5,66% so với mức giá hiện nay, từ 5.300 đồng/m3 lên 5.600 đồng/m3 (hộ nghèo và cận nghèo năm 2019 vẫn giữ nguyên 5.300 đồng/m3); năm 2020, giá nước bán lẻ sẽ tăng lên 6.000 đồng/m3 đối với hộ dân cư, 5.600 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo.
Năm 2021, giá nước sẽ là 6.300 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.000 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2022, mức giá là 6.700 đồng/m3 đối với hộ dân cư và 6.300 đồng/m3 đối với hộ nghèo và cận nghèo.
Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, Sawaco sẽ quyết định giá nước sạch cho các mục đích khác ngoài giá nước sạch cho sinh hoạt, phù hợp với phương án giá nước sạch lộ trình 2019 - 2022.
Vấn đề ở chỗ, Sawaco hoạt động theo mô hình công ty “mẹ” nắm quyền chi phối các công ty “con” để kiểm soát giá nước sinh hoạt - một mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến đời sống dân sinh toàn Thành phố. Nhưng thực trạng của Sawaco lại đáng lo ngại, khi đầu vào và đầu ra nguồn nước sỉ lệ thuộc vào các công ty “con” đã cổ phần hóa với sự thao túng của cổ đông bên ngoài.
Cụ thể, ở đầu vào, theo chính báo cáo của Sawaco, doanh nghiệp này phải mua sỉ nước sạch của các nhà máy nước xã hội hóa và chi phí đều tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng tới 42% trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh. Giai đoạn 2016 - 2018, chi phí mua sỉ nước sạch từ các nhà máy nước xã hội hóa tăng bình quân 252 tỷ đồng/năm. Mặt khác, giá mua sỉ nước sạch hiện nay đều tăng theo định kỳ hàng năm hoặc hai năm, như giá nước sạch của Công ty cổ phần BOO Nước Thủ Đức tăng 5%, của Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông tăng 5%/năm trong 6 năm đầu.
Còn với đầu ra, tại Kiến nghị số 2844 ngày 26/8/2019, Sawaco cho hay, doanh nghiệp này đang bán sỉ nước sạch giai đoạn 2015 - 2019 cho 6 công ty “con” đã cổ phần hóa để các công ty này cung cấp cho người dùng.
Tuy nhiên, Sawaco đã không ký được hợp đồng mua bán nước với Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức (từ năm 2017 tới nay) và Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định (từ năm 2018 tới nay). Lý do là, quyền quyết định ký kết hợp đồng của hai công ty này thuộc Hội đồng Quản trị, nhưng thành viên Hội đồng Quản trị là người đại diện vốn góp của Sawaco tại đây đã mất quyền biểu quyết. Quyền này ở cả 2 công ty cổ phần nói trên đã rơi vào tay Công ty cổ phần Cấp nước, Cơ điện lạnh REE. Từ đó, đơn giá mua bán sỉ nước sạch theo ý của Sawaco không đủ số phiếu tán thành, nên không thể thông qua hợp đồng với 2 công ty cổ phần này.
“Hiện nay, với ảnh hưởng từ sự việc của Công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức và Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định đã tác động đến việc ký kết hợp đồng giữa Tổng công ty với các công ty còn lại…”, kiến nghị do Phó tổng giám đốc Sawaco Nguyễn Văn Dụ nêu rõ.
Sawaco đã nhiều lần đối thoại, gặp gỡ các cổ đông lớn của các công ty cổ phần mua bán nước với mình, nhưng đều không thống nhất được mức giá.
Sawaco cũng đã tính đến “bước đường cùng” là xin cho phép chỉ đạo người đại diện vốn góp nhà nước của Tổng công ty tại công ty “con” ký hợp đồng để cấp nước. Tuy nhiên, việc này vi phạm khoản 2, Điều 162, Luật Doanh nghiêp số 68/2014 và cổ đông lớn bên ngoài có quyền khởi kiện. Trong kiến nghị mình, Sawaco muốn Sở Tư pháp hỗ trợ pháp lý, nhưng Sở Tư pháp cũng không thể can thiệp luật.
Từ thực tế trên, đã nổi lên nỗi lo lớn: khi quyền quyết rơi vào tay cổ đông bên ngoài, liệu Sawaco có kiểm soát được giá nước đúng lộ trình, hay lại tiếp tục “điệp khúc” xin tăng giá, xin ngân sách “tiếp sức” như nhiều năm qua?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận