Môi giới BĐS... "tung chiêu" để bán hàng trong mùa dịch
Khi thị trường bất động sản đang chịu tác động từ dịch Covid-19, môi giới bất động sản bị ép đủ doanh số sẽ buộc phải tung các chiêu trò để bán hàng, lôi kéo được nhiều khách hàng.
Thời điểm năm 2014, khi thanh khoản của phân khúc căn hộ gặp khó khăn, để bán được hàng, môi giới bất động sản phải tung đủ chiêu, từ hỗ trợ lãi suất cho khách mua nhà, tặng kèm quà tặng vài chỉ vàng, thậm chí là môi giới không nhận tiền hoa hồng...
Những kịch bản bán hàng này tiếp tục lặp lại từ đầu năm 2021 đến nay, khi thị trường phải gánh chịu những tác động của đại dịch Covid-19, lượng giao dịch sụt giảm chỉ còn khoảng 30%. Để đảm bảo doanh số không bị “âm”, một số công ty môi giới đang chạy đua doanh số và “ép” nhân viên môi giới nhanh chóng bán được hàng đang còn tồn đọng. Do phải chạy đua doanh số nên nhiều người làm nghề môi giới nhà đất đã tung ra hàng loạt chiêu trò để kích cầu thị trường với hy vọng có thể mở rộng được tệp khách hàng, bán được hàng nhanh chóng.
Hiện tại, dạo một vòng quanh rất nhiều dự án tại Hà Nội được các sàn môi giới mở bán, gần như nhân viên môi giới nào cũng nói điệp khúc: “Bên em chỉ còn vài căn (vài nền). Đợt tới chuẩn bị tăng giá. Anh/chị lấy trước được căn (lô) như ý…”. Đây chính là một trong số những chiêu mời chào khéo léo để nhanh chóng bán được hàng.
Anh Nguyễn Thành, một cựu nhân viên môi giới bất động sản tiết lộ: Một số chiêu trò như thổi giá, hét giá sản phẩm, tạo sóng ảo, bán suất ngoại giao, nói quá thông tin dự án... tuy đã cũ nhưng vẫn còn hiệu quả.
Theo lời kể của nhân viên môi giới này, cách đây 2 năm, anh được công ty giao nhiệm vụ tiếp một đoàn khách gồm 15 người đến tìm hiểu một dự án phân lô, tách thửa tại Hoài Đức (Hà Nội). Anh đã phải tung chiêu là suất ngoại giao như “mồi nhử” để “câu” khách. Nắm được tâm lý của khách hàng thường thích những suất ngoại giao không chỉ vì giá “mềm” mà còn có vị trí đặc địa, số lượng lại hạn chế, anh đã mời mua suất ngoại giao có mức chiết khấu 2 - 5%.
Còn chị Nguyễn Minh Anh, môi giới kỳ cựu tại Nam Từ Liêm chia sẻ: “Thông thường mỗi dự án sẽ được chia cho vài sàn lớn tham gia môi giới. Một số sàn lại đem số lượng căn hộ được phân phối chia cho các sàn nhỏ hơn. Sau đó, một sàn công bố bán vài chục căn hộ với giá gần như không có chút lãi nào và ngay lập tức công bố bán hết để tạo hiệu ứng với người mua. Khi các sàn khác mở bán và đương nhiên với giá cao hơn, các căn hộ được công bố bán hết kia lại được chuyển lại để bán. Và lúc đó mới là thời điểm để một số môi giới tăng giá, thậm chí kênh giá ngoài hợp đồng”.
Trong phân khúc mua nhà, đất nền, chị Minh Anh chia sẻ, khi thấy có người treo bảng bán nhà, “cò” gọi điện tìm hiểu thông tin, chụp ảnh về ngôi nhà, “đạp giá” xuống mức thấp nhất có thể, rồi đặt cọc. Sau đó, họ rao bán căn nhà đó với giá cao hơn. Có khi họ làm trung gian, giới thiệu cho người mua nhà và sau đó người mua muốn bán lại kiếm lời thì cũng chính “cò” đó sẽ tìm khách hàng khác để hưởng phần chênh lệch. Trong các trường hợp giao dịch này, người mua và bán đều phải thông qua một “cò”, nếu không họ sẽ dùng các chiêu trò "bẩn" để không ai có thể chen vào.
Đặc biệt, chiêu bán cắt lỗ được áp dụng nhiều nhất trong mùa dịch vừa qua. Tuy nhiên, đằng sau những tin rao bán cắt lỗ chưa chắc đã lỗ như người bán đưa tin. Sau khi đọc thông tin rao bán đất với nội dung: “Vỡ nợ do ảnh hưởng Covid-19, chính chủ chấp nhận lỗ bán nhanh lô đất liền kề biệt thự tại Hoài Đức với giá đầu tư, diện tích 134m2, giá bán 28 triệu/m2,..." được rao bán trên một website chuyên về mua bán bất động sản, anh Nguyễn Tuấn Anh, một khách hàng có nhu cầu thực đã gọi theo số điện thoại rao bán. Tuy nhiên, khi gọi điện tới, người rao bán lại nói đó chỉ là giá của vài năm trước, mức giá hiện tại đã vào 30 - 35 triệu/m2. Và chỉ vài ngày sau đó, anh Tuấn Anh luôn bị làm phiền bởi một số người môi giới bán nhà.
Cá biệt, có chủ căn nhà cấp 4 diện tích 60m2, mới xây ở khu vực Mễ Trì Thượng có giá 1,7 tỷ đồng, cũng đang rao bán mùa dịch kèm theo thông tin “nhà đẹp miễn chê, pháp lý đầy đủ”. Nhưng khi liên hệ hỏi kỹ thông tin thì chủ nhà cho biết: “Nhà chưa có sổ, nhưng yên tâm sang năm sẽ có. Cả ngõ đều vậy”.
Theo giới chuyên gia, thực tế các trường hợp đăng tin bán nhà sai lệch, “ăn theo trend mùa dịch” như vậy cũng đã từng xuất hiện. Nếu là người thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản chắc hẳn người mua hàng sẽ nhận thấy rằng các trường hợp này gần giống các tin đăng bán nhà đất nở rộ mỗi dịp World Cup như “bán nhà gấp vì thua bóng” cho đến “Bể nợ mùa World Cup cần bán nhà gấp”./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận