Môi giới bất động sản "cõng nhau" mùa dịch nhưng sợ không được lâu
Dịch bệnh bùng phát cùng các đợt giãn cách xã hội liên tục khiến cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản “đứng bánh”. Không ít công ty buộc phải cho nhân viên làm việc ở nhà, thậm chí tạm nghỉ việc. Nhân viên môi giới bất động sản đang tìm nhiều cách để có thể tồn tại qua mùa dịch.
Cũng như nhiều ngành nghề khác, năm 2020 đối với doanh nghiệp hành nghề môi giới bất động sản có thể xem như “thảm hoạ” kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid – 19. Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong năm 2020 có những thời điểm số lượng sàn, công ty môi giới bất động sản trong cả nước phải đóng cửa, ngưng hoạt động lên đến 80%.
Bước sang năm 2021, tình hình có vẻ khả quan hơn trong những tháng đầu năm. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hoạt động mở bán, giới thiệu dự án bất động sản được doanh nghiệp tăng cường đẩy mạnh. Nhân viên môi giới sau một năm chịu đựng cũng phác thảo kế hoạch cho năm mới với nhiều kỳ vọng. Thậm chí, nhiều người tin tưởng 2021 có thể lấy lại những gì đã mất trong năm 2020.
Tuy nhiên, cuối tháng 4/2021 dịch bệnh manh nha quay trở lại ở một số nơi và sau đó bùng phát ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. TP.HCM đô thị đông dân nhất và là đầu tàu kinh tế của cả nước đang phải vật lộn với đợt dịch thứ 4 có cường độ và diễn biến phức tạp hơn nhiều lần trước. Thành phố buộc phải ra các chỉ thị giãn cách xã hội nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Ở các địa phương lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương hay Long An cũng đang đối diện với nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Tình hình dịch bệnh, giãn cách làm tê liệt hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các công ty môi giới bất động sản.
Giám đốc một công ty môi giới bất động sản ở TP Thủ Đức cho biết, dù đã xây dựng một số kịch bản để ứng phó với dịch bệnh từ những kinh nghiệm trong năm 2020 nhưng doanh nghiệp hiện đang thật sự khó khăn.
Khoảng hơn 1 tháng nay, công ty không thể tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tiếp thị với khách hàng. Đặc biệt, doanh nghiệp của anh chuyên mua môi giới các dự án đất nền ở tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An nên các đợt tập trung đưa khách đi xuống dự án như kế hoạch không thể triển khai.
Các sự kiện không thể tổ chức và để tuân thủ quy định giãn cách nên công ty buộc cho nhân viên làm việc ở nhà. Hiện công ty vẫn cố gắng giữ lương cơ bản cho nhân viên. Tuy nhiên, với mức thu nhập chỉ từ 4 – 5 triệu mỗi tháng thì rất khó để xoay xở nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Việt Anh, một trưởng nhóm của công ty môi giới có trụ sở ở quận 1, TP.HCM chia sẻ, môi giới bất động sản thu nhập chủ yếu là hoa hồng nhờ các giao dịch. Với tình hình hiện nay, chỉ những môi giới đã làm nghề lâu năm và có tài sản tích luỹ thì mới có thể cầm cự để qua mùa dịch. Nhưng với những môi giới mới nhập nghề hoặc những người trước giờ không có thói quen tiết kiệm tích luỹ sẽ rất chật vật.
“Hiện nay, nhóm của mình tìm mọi cách để hỗ trợ nhau. Những bạn nào lâu năm, có tích luỹ sẽ hỗ trợ một phần nào cho các bạn mới để cùng nhau qua giai đoạn khó khăn này. Nhưng nếu dịch kéo dài thì việc này cũng sẽ không thể kéo dài được bao lâu”, Việt Anh nói.
Bích Thuỷ, môi giới bất động sản làm việc tự do đã 2 năm cũng đang rất lo lắng bởi cô không có lương cứng hay phụ cấp gì mà chỉ sống dựa vào hoa hồng. Với cô, dịch bệnh không hẳn không tìm được khách bởi hiện trong tay cô đang có nhiều hợp đồng đặt cọc nhưng nhiều tuần nay không thể hoàn tất giao dịch do giãn cách, trụ sở, văn phòng công chứng cũng tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ.
Với nhiều môi giới khác, đặc biệt là những người đã có gia đình thì áp lực còn gấp bội. Nhiều người tích cực chủ động tìm thêm nhiều việc làm khác như chạy grap, giao hàng, bán hàng online…
Theo nhiều doanh nghiệp bất động sản lo lắng nếu trong thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì tình hình sẽ rất khó lường không chỉ riêng với bất động sản mà toàn lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê mới đây, trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, có 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận