Mối đe dọa suy thoái toàn cầu ngày càng gia tăng?
Đại dịch COVID-19, bất ổn chính trị bùng phát, chuỗi cung ứng gián đoạn, lạm phát gia tăng đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu. Liệu nền kinh tế toàn cầu có đang rơi vào tâm bão, với châu Âu, Trung Quốc và Mỹ cùng bước vào thời kỳ suy thoái cuối năm nay?
Trong bài viết trên tờ Straits Times, Giáo sư kinh tế và chính sách công Kenneth Rogoff tại Đại học Harvard, nguyên là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cho rằng nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện đang tăng lên từng ngày.
Suy thoái ở châu Âu là điều gần như không thể tránh khỏi nếu xung đột ở Ukraine leo thang. Còn tại Mỹ, giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm qua đang tạo ra nhiều áp lực. Trung Quốc ngày càng thấy khó duy trì mức tăng trưởng tích cực khi đối mặt với tình trạng phong tỏa hà khắc do dịch COVID-19 bùng phát. Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc có thể đã rơi vào suy thoái.
Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái, đặc biệt nếu được kích hoạt bởi chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu toàn cầu và gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính. Và mặc dù suy thoái ở châu Âu thường lan tỏa trên toàn cầu - chủ yếu là do nhu cầu giảm - suy thoái do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra có thể làm lung lay hoàn toàn niềm tin kinh doanh và thị trường tài chính trên toàn thế giới.
Đánh giá về khả năng xảy ra, Giáo sư Kenneth Rogoff cho rằng quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc từ lâu đã chậm lại, cần quản lý kinh tế vĩ mô tốt và cả may mắn mới ngăn chặn được suy thoái nghiêm trọng, đặc biệt là nếu Trung Quốc đưa ra quyết sách sai lầm trong cuộc chiến chống COVID-19.
Hầu hết các quốc gia châu Á hiện đã từ bỏ chiến lược "Không COVID" và đang chuyển sang các biện pháp kiểm soát dịch bệnh như một mối đe dọa đặc hữu, nhưng không coi đây như một đại dịch. Trung Quốc thì vẫn đang chi số tiền lớn để chuyển đổi các tòa nhà văn phòng trống thành các trung tâm cách ly.
Nguy cơ về một cuộc suy thoái tại Mỹ đã tăng vọt, với những bất ổn chính hiện nay không hề nhỏ. Quan điểm lạc quan rằng lạm phát sẽ tự giảm và Fed sẽ không phải tăng lãi suất quá nhiều, ngày càng không có cơ sở.
Với các khoản tiết kiệm của người dân tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn là nhu cầu tiêu dùng sẽ vẫn mạnh, trong khi các vấn đề về chuỗi cung ứng có thể trở nên tồi tệ hơn. Mỹ dường như đang giảm bớt các chính sách kích thích kinh tế, dù việc này không dễ dàng trong năm bầu cử giữa kỳ 2022, để giúp giảm lạm phát, do đó lo ngại về suy thoái đang gia tăng.
Đối với châu Âu, hậu quả từ suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ sẽ đe dọa sự tăng trưởng của khu vực này ngay cả khi không có xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, cuộc xung đột làm gia tăng thêm nhiều rủi ro và tính dễ bị tổn thương của châu Âu. Tăng trưởng của châu Âu hiện cũng đã yếu đi.
Nếu xung đột leo thang cao hơn, châu Âu có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn, với những hậu quả không chắc chắn cho cả nền kinh tế, và có thể là cả các biện pháp trừng phạt Trung Quốc. Trong khi đó, các chính phủ châu Âu đang chịu áp lực đáng kể trong việc tăng đáng kể chi tiêu cho quốc phòng.
Rõ ràng, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong trường hợp suy thoái toàn cầu. Ngay cả các nước xuất khẩu lương thực và năng lượng, vốn cho đến nay đã được hưởng lợi về kinh tế từ cuộc xung đột ở Ukraine do giá năng lượng cao, cũng có thể gặp rủi ro.
Nếu may mắn, nguy cơ suy thoái toàn cầu đồng bộ sẽ giảm vào cuối năm nay. Nhưng hiện tại, rủi ro suy thoái ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc là đáng kể và đang gia tăng, và hiệu ứng domino có thể xảy ra khi một nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái. Lạm phát cao kỷ lục không làm cho mọi thứ dễ dàng hơn. Khả năng các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách có hoàn thành được nhiệm vụ mà họ có thể sớm đương đầu hay không là điều không chắc chắn./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận