Mới đầu năm, thị trường lãi suất đã sôi động
Các ngân hàng tăng tốc cho vay ngay từ đầu năm và dự báo lãi vay sẽ điều chỉnh tăng lên khi chi phí huy động tiết kiệm tăng.
Nhu cầu vay tăng
Chiều ngày 10.1, anh Nhân, nhân viên tín dụng ngân hàng (NH) có chi nhánh tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết dù các sếp đang họp để phân công giao chỉ tiêu nhưng nhân viên tín dụng đã lo “chạy” trước tìm khách vì đây là “mùa tín dụng”. Trước đó, thời điểm cuối năm 2021, nhiều NH được nới “room” tín dụng nên những khách hàng đồng ý chờ thì hồ sơ vay sẽ được giải ngân qua năm 2022. Do đó những ngày này, lượng hồ sơ giải ngân cũng tăng lên. Thông thường nhu cầu vay vốn thời điểm này luôn cao nhất trong năm, tập trung vào các khoản như cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà, mua ô tô; doanh nghiệp (DN) vay hoạt động sản xuất kinh doanh... “Thế nên, nhân viên tín dụng như tụi em phải tranh thủ bán hàng. Nếu chị có nhu cầu vay thì triển khai làm thủ tục sớm vì khả năng vài tuần tới lãi suất sẽ có thay đổi. Lãi vay hiện ở mức thấp nhất rồi”, anh Nhân cho hay.
Lãi suất cho vay tiêu dùng, mua nhà đất... của các NH hiện vẫn không thay đổi so với cuối năm 2021 và ở mức thấp trong thời gian vay ưu đãi. Chẳng hạn, Shinhan Bank cho vay lãi 6,2%/năm cố định trong năm đầu; lãi 7,6%/năm cố định 3 năm đầu; lãi vay 5,49%/năm 1 năm đầu tiên và 7,8% cố định 4 năm tiếp theo. Vietcombank cho vay mua bất động sản với lãi suất cố định 6 tháng là 6,99%/năm, cố định 12 tháng là 7,29%/năm, cố định 18 tháng là 8%/năm… Riêng đối với DN, lãi vay của các nhà băng dao động từ mức 5 - 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, từ 7 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Mức lãi vay thấp đã kích thích DN, cá nhân vay nhiều hơn vào những tháng cuối năm 2021 kéo sang 2022. Trong quý cuối cùng của năm 2021, Vietcombank đã cho vay hơn 40.200 tỉ đồng, dư nợ tín dụng đạt gần 963.670 tỉ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020. Trong khi huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân chỉ tăng 9,5%, đạt 1,154 triệu tỉ đồng. Chính vì vậy mà nhà băng này đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng thêm 0,1%/năm trong những tháng cuối năm 2021 nhằm huy động vốn.
Tốc độ cho vay của ngành NH từ cuối năm 2021 cũng tăng nhanh hơn, chỉ tính riêng tháng 12 tăng 2,8%, trong khi một số tháng trước đó có khi rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, dẫn đến tăng trưởng tín dụng năm 2021 lên hơn 14%. Cụ thể, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2021, ngành NH đã bơm hơn 470.000 tỉ đồng ra nền kinh tế. Riêng TP.HCM bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề nhưng sau thời gian giãn cách, các DN, cá nhân đã vay nhiều hơn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Điều này giúp tăng trưởng tín dụng thêm 2% vào tháng cuối cùng của năm 2021, giúp dư nợ tín dụng ước tăng 10,7% cho cả năm, trong khi huy động chỉ tăng 7,5%. Một số NH đã hé lộ mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 và bắt đầu cuộc đua cho vay từ những ngày đầu năm mới. Vietcombank dự kiến trong năm 2022 sẽ tăng trưởng tín dụng 12%. Một số NH khác cũng dự kiến mức tăng trưởng tín dụng từ 10 - 25%.
Lãi suất huy động tiết kiệm tăng
Nhu cầu vay vốn đang tăng cao trong khi huy động vốn có tốc độ tăng trưởng không tương xứng khiến lãi suất huy động của các nhà băng được điều chỉnh tăng lên gần đây, có nhà băng đã chấp nhận trả lãi lên 10,6%/năm cho khách hàng gửi tiền. Đó là VPBank áp dụng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn Prime Savings trên 300 triệu đồng, cao nhất 10,6%/năm cho tháng đầu tiên đối với kỳ hạn gửi 15 tháng, lãi suất các tháng sau 5,3%/năm; kỳ hạn 7 tháng có lãi tháng đầu lên 10%/năm, tháng sau 5%/năm... Sacombank tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng vào đầu tháng thêm 0,1 - 0,2%/năm, kỳ hạn 1 tháng lên 3,3%/năm; 3 tháng 3,59%/năm; 6 tháng 4,56%/năm; 12 tháng 5,65%/năm... Đối với tiết kiệm trực tuyến, lãi suất cao hơn từ 0,4 - 0,5%/năm tùy kỳ hạn, chẳng hạn như 1 tháng là 3,6%/năm, 6 tháng là 5,1%/năm, 12 tháng lên 6,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Xu hướng tăng lãi suất vào thời điểm cận Tết Nguyên đán không còn diễn ra cục bộ ở một vài NH. Đây cũng là thời điểm các DN chi trả lương, thưởng cho người lao động nên ngoài việc tăng lãi suất huy động, các NH cũng tung ra các chương trình khuyến mãi hút vốn cuối năm.
Theo Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành NH do Vụ Dự báo, thống kê (thuộc NH Nhà nước) đưa ra, các NH cho biết sẽ nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên thay vì thắt chặt như cuối năm 2021. Điều này xuất phát trên cơ sở kỳ vọng về yếu tố kinh tế vĩ mô khả quan, chính sách và định hướng của Chính phủ, NH Nhà nước cùng với năng lực tài chính của NH được cải thiện hơn. Nhu cầu tín dụng phục vụ đời sống và tiêu dùng được nhận định sẽ tăng cao nhất trong năm 2022. Trong đó, nhu cầu tín dụng của khách hàng DN cao hơn khách hàng cá nhân, tín dụng ngắn hạn cao hơn tín dụng trung dài hạn, tiền đồng cao hơn ngoại tệ.
Ngoài ra, kết quả điều tra đưa ra xu hướng các NH sẽ tiếp tục thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Các NH dự kiến gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng tối đa để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, trong khi dự kiến tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận