Mời chuyên gia bàn cách gỡ “nút thắt” hạn chế trong đầu tư công
Đầu tư công một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn dàn trải; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, vẫn còn có trường hợp thất thoát, lãng phí. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh. Đó là thực trạng được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ thẳng thắn chỉ ra tại diễn đàn "Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán nhà nước". Cũng tại diễn đàn, nhiều đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành đ
Theo ông Doãn Anh Thơ, đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp nền kinh tế đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong từng thời kỳ kế hoạch. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam còn có những hạn chế. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng tiêu cực, đầu tư công đang được xác định là một trong những trụ cột, động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế thì những hạn chế trên cần phải sớm khắc phục.
Qua thực tiễn kiểm toán, ông Thơ cho biết nguyên nhân của những hạn chế trong đầu tư công, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch rất đa dạng; mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi dự án đều có những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.
Trước thực trạng nêu trên, tại diễn đàn, ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành IV, cho rằng người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và là người chịu trách nhiệm toàn bộ đối với mọi sai phạm trong suốt quá trình thực hiện đầu tư chứ không phải là trách nhiệm tập thể nếu để xảy ra sai phạm.
Ảnh minh họa.
Ông Hải cũng đề xuất, kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm tiêu chí đánh giá năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình năm 2021, 2022 đạt khoảng 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó năm 2021 đạt 95,7%, năm 2022 đạt 91,42%.
"Đặc điểm của giải ngân vốn đầu tư công thông thường những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên", bà Nghĩa chia sẻ.
Là một trong những địa phương có mức giải ngân cao, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ kinh nghiệm, các khâu phân bổ vốn đầu tư công, giao vốn đầu tư công... phải làm sớm từ đầu, cần xác định rõ trách nhiệm chủ đầu tư khi được giao quản lý dự án đầu tư, định kỳ hằng quý, 6 tháng, 9 tháng rà soát, dự án nào không giải ngân đúng tiến độ, triển khai chậm.
“Chúng tôi sẵn sàng cắt chuyển dự án khác có tiến độ tốt hơn", Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nhấn mạnh. Đồng thời nói thêm, cơ quan quản lý, chủ đầu tư có trình độ chuyên môn tốt, cán bộ quản lý dự án am hiểu pháp luật, thì công tác đầu tư công triển khai sẽ thuận lợi. Muốn làm nhanh trước hết phải làm đúng. Dự án được triển khai bài bản, đúng quy định, nhưng đến khâu giải phóng mặt bằng chậm, không làm tốt thì tiến độ dự án sẽ bị chậm lại.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho hay, giải pháp cho giải ngân đầu tư công phải từ trên xuống dưới, đó là các thông điệp, "sức nóng" của người lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nhưng cũng phải làm tốt từ dưới lên, đặc biệt cần có sự ủng hộ của người dân, bên cạnh đó có các chủ đầu tư có năng lực.
Phó Tổng KTNN Doãn Anh Thơ khẳng định, chưa khi nào vốn ngân sách đầu tư công lớn như hiện nay, trong bối cảnh năng lực quản lý, hấp thụ vốn của các bộ, ngành địa phương có hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, tăng cường phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý vướng mắc trong công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công triển khai minh bạch và hiệu quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận