Mỗi chiếc siêu xe biếu tặng "chênh" giá Hải quan 1,5 tỷ đồng: Hé lộ việc doanh nghiệp thích "lách khe cửa hẹp"
Xe biếu tặng ra đời nhằm mục đích hỗ trợ phát triển, song trong vài năm trở lại đây chính sách này đã và đang phát sinh nhiều vấn đề, có thể tạo kẽ hở cho gian lận thương mại, trục lợi chính sách.
Doanh nghiệp luôn khai thấp để trục lợi
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính từ năm 2016 đến hết tháng 5/2022, lượng siêu xe nhập diện biếu tặng về Việt Nam đạt hơn 3.900 chiếc. Trong năm 2016, có 1.064 chiếc, năm 2017 là 980 chiếc, năm 2018 là 260 chiếc, năm 2019 là 213 chiếc, năm 2020 là hơn 480 chiếc và năm 2021 tăng vọt trên 795 chiếc; tháng đầu năm 2022 xe nhập biếu tặng về Việt Nam là hơn 160 chiếc.
Về địa chỉ thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết các Cục Hải quan Hà Nội, Hà Nam Ninh, Đà Nẵng, TPHCM, Hải Phòng là nơi thực hiện lệnh thông quan xe nhập diện biếu tặng nhiều nhất. Trong đó, riêng Cục Hải quan Hà Nội và Cục Hải quan Hà Nam Ninh chiếm đến trên 50% lượng xe nhập biếu tặng.
Siêu xe nhập diện biếu tặng về Việt Nam (Ảnh Tổng cục Hải quan)
Về lý thuyết, xe biếu tặng là một hình thức phi mậu dịch, phục vụ kết nối doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài về quan hệ hợp tác, tư vấn hoặc hỗ trợ phương tiện. Quy định của luật pháp Việt Nam, xe biếu tặng vẫn phải nộp các loại thuế phí đầy đủ như thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí trước bạ, thuế thu nhập bất thường… Mỗi doanh nghiệp, đơn vị chỉ được nhận một xe, không được phép mua đi, bán lại đối với cá nhân khác.
Về các khoản thu thuế, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm 2016 là hơn 2.300 tỷ đồng, năm 2017 là 298 tỷ đồng, năm 2018 là hơn 1.000 tỷ đồng, năm 2019 là 1.800 tỷ đồng, năm 2020 là hơn 1.700 tỷ đồng và năm 2021 là hơn 4.100 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2022, số thuế thu được của loại hình xe này là hơn 1.200 tỷ đồng.
Về chênh giá tính thuế, theo rà soát của hải quan từ 1/1/2021 hết quý I/2022, trong hơn 1.013 chiếc xe, doanh nghiệp kê khai trị giá tính thuế chỉ 3.302 tỷ đồng, bình quân mỗi xe biếu tặng có giá khoảng 3,2 tỷ đồng/chiếc. Tuy nhiên, sau khi rà soát giá tính thuế trước khi thông quan, cơ quan hải quan ấn định giá trị tính thuế tăng trên 4.740 tỷ đồng, tăng thêm 1.443 tỷ đồng, tương đương mỗi chiếc tăng thêm gần 1,5 tỷ đồng.
Trả lời PV Dân Việt, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý, Tổng cục Hải quan cho rằng: "Theo quy định, doanh nghiệp được tự khai giá tính thuế dựa trên các chứng từ, vận đơn, hợp đồng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục thông quan, các mẫu xe này sẽ chịu sự rà soát về mã số HS, giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa ra và giá đối chiếu ở thị trường nhập, giá xe cùng chủng loại, model trong nước để ấn định giá tính thuế".
Tuy nhiên, trường hợp nếu cơ quan Hải quan không xác định lại trị giá trước khi tính thuế hoặc áp không đúng quy định, rất có thể số thuế Nhà nước sẽ thất thu lớn và đây là cách doanh nghiệp hưởng lợi, trục lợi chính sách.
Đóng đủ thuế, vì sao doanh nghiệp thích "lách khe cửa hẹp" để nhập xe biếu tặng?
Từ khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực ngay ngày 1/7/2017, hoạt động nhập khẩu, kinh doanh và phân phối của các hãng xe tư nhân bị ngừng hoàn toàn. Chỉ các hãng xe, đầu mối nhập khẩu có giấy chứng nhận, có uỷ quyền của các hãng mới được phép nhập khẩu xe về Việt Nam. Kèm theo đó là nhiều điều kiện khắt khe như: Dịch vụ bảo dưỡng, triệu hồi, chứng nhận kiểu loại…. Những quy định này, các đầu mối tư nhân, đại lý, showroom xe nhập tư nhân dù lớn nhất cũng không thể đáp ứng được.
Nhiều doanh nghiệp vốn đang nhập xe, làm ăn khấm khá đột nhiên mất nguồn xe nhập, phá sản, nợ. Trong cơn phẫn uất, để đấu tranh với nhóm doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp tư nhân đã nghiên cứu, sử dụng nhiều hình thức khác nhau để nhập xe về duy trì kinh doanh như (xin nhượng quyền bán hàng của đầu mối nhập khẩu và nhập xe diện biếu tặng…)
Theo anh V. T. N (kinh doanh xe nhập hơn 10 năm tại Hà Nội) cho biết: Từ khi Nghị định 116 ra đời, giới buôn xe nhập phá sản gần hết, đường nhập khẩu xe chính ngạch về Việt Nam không còn, họ phải xin nhập qua hãng nhưng hầu như không được, chỉ nhỏ giọt.
"Thực tế, các siêu xe đều là bản đặc biệt, bán ít hoặc không được phân phối ở Việt Nam. Chính vì vậy, giá các mẫu xe này cũng ở phân khúc khác so với các mẫu xe được nhập khẩu, bán ra trong nước", đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu xe trong nước nói.
Theo một số đại lý xe nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam, phần lớn xe biếu tặng bán ở các showroom tại Hà Nội là các phiên bản trong nước không bán hoặc model không thể nhập về Việt Nam. Mức giá các mẫu xe này cũng khác so với bản nhập từ nhà phân phối chính thức (thường giá bán cao hơn do được cho là bản giới hạn (limited hoặc đủ đồ (full option) hoặc riêng của thị trường Mỹ, Trung Đông.
"Đa số xe có giá bán cao, mẫu khác so với xe nhập về, bán trong nước nên những siêu xe thường ít chịu phản ứng từ các nhà nhập khẩu chính hãng. Tuy nhiên, đối với những xe phổ thông hơn, họ vẫn bán giá thấp hơn và đây là vấn đề cần rà soát ở khâu nhập khẩu, phân phối và kẽ hở lách thuế", anh V.T.N nói.
Thực tế, chính nhu cầu người dùng cao nên xe nhập diện biếu tặng luôn có lối đi riêng, tiêu thụ nhanh chóng. Khách hàng chính của xe nhập diện biếu tặng đều đã đặt trước xe.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận