Moderna hiệu quả ngăn ca nhập viện 92% sau hơn 4 tháng
Nghiên cứu mới nhất của CDC Mỹ cho thấy hiệu quả ngăn ca nhập viện của vaccine Covid-19 do Moderna sản xuất gần như không đổi sau hơn 120 ngày.
Theo báo cáo được công bố hôm 17/9, các nhà nghiên cứu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã tiến hành phân tích gần 3.689 người trưởng thành ở 18 bang nhập viện vì Covid-19 từ ngày 11/3 đến ngày 15/8/2021, giai đoạn trước và sau khi biến chủng Delta hoành hành. Trong số này, 12,9% được tiêm chủng đầy đủ bằng vaccine Moderna, 20% được tiêm Pfizer/BioNTech và 3,1% được tiêm Johnson & Johnson.
Các nhà nghiên cứu kết luận vaccine của Moderna hiệu quả ngăn ca nhập viện 93% trong 14-120 ngày sau mũi thứ hai và duy trì hiệu quả 92% sau hơn 120 ngày. Vaccine của Pfizer/BioNTech hiệu quả ngăn ca nhập viện 91% trong 14-120 ngày sau khi tiêm liều thứ hai và giảm xuống 77% sau hơn 120 ngày.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy vaccine của Moderna hiệu quả bảo vệ cao hơn, gồm một nghiên cứu được công bố tuần trước của CDC. Lý do không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có thể do liều lượng của Moderna cao hơn, 100 microgam so với 30 microgam của Pfizer.
Điều này cũng có thể liên quan đến khoảng cách giữa hai mũi tiêm. Hai mũi Pfizer cách nhau ba tuần, trong khi Moderna được tiêm cách nhau 4 tuần.
Hai lọ vaccine Moderna tại một điểm tiêm chủng ở bang Connecticut, Mỹ hồi tháng 4. Ảnh: AFP.
Kết quả được công bố khi một hội đồng tư vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) khuyến nghị không nên tiêm mũi tăng cường Pfizer cho tất cả người Mỹ từ 16 tuổi trở lên. 16 trong số 18 chuyên gia nói rằng Pfizer đã không thu thập đủ dữ liệu để cho thấy sự cần thiết của mũi tiêm thứ ba.
Thế giới đã ghi nhận 228.752.059 ca nhiễm nCoV và 4.697.958 ca tử vong, trong khi 205.379.144 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers. Trong bối cảnh các nước trên thế giới nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, nhiều quốc gia và giới khoa học đang tranh cãi về mũi tiêm tăng cường.
Tại Ấn Độ, tỷ phú Adar Poonawalla, giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hôm 17/9 cho rằng việc tiêm mũi tăng cường là "phi đạo đức" trong bối cảnh các nước phát triển đang vật lộn để tiếp cận vaccine.
"Thật phi đạo đức khi bắt đầu tiêm ba liều cho ai đó trong khi những người khác ở một số quốc gia và nhóm dân số nhất định chưa tiêm đủ hai liều, ông nói, thêm rằng "không đúng" khi triển khai mũi tiêm tăng cường trong bối cảnh các nước nghèo hơn "không thể tiêm đủ mũi vaccine vì các nước giàu đã lấy đi hầu hết".
Israel là quốc gia đầu tiên đề xuất mũi tăng cường Covid-19 hồi tháng 7 và một số quốc gia châu Âu sau đó áp dụng theo, nhằm vào các nhóm nguy cơ cao. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến triển khai tiêm mũi tăng cường từ tuần tới, nhưng đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận