Mobile Money: Thủ tướng "thúc", vì sao vẫn chưa thể triển khai?
Dù đã có chủ trương của Chính phủ nhưng đến nay việc thí điểm dịch vụ tiền di động (Mobile Money) vẫn chưa được triển khai chính thức tại Việt Nam.
Sau nhiều lần trì hoãn, việc triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (Mobile Money) lại một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 vừa qua.
Được biết trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo về phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money, trên cơ sở ý kiến góp ý bằng văn bản của các bộ: Tư pháp, TT&TT, Công an và các bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng ngay trong tháng 7/2020.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cũng từng lên tiếng nhấn mạnh, mặc dù đã chậm song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ cố gắng ngay trong tháng 6/2020 sẽ cấp phép dịch vụ tiền di động (Mobile Money) cho các doanh nghiệp viễn thông.
Giờ G chờ "khai sinh" Mobile Money
Nếu việc thí điểm Mobile Money được triển khai, các công ty viễn thông sẽ chính thức bước vào thị trường dịch vụ thanh toán, với nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với ngân hàng và các ví điện tử hiện đang tham gia vào thị trường thanh toán số của Việt Nam.
Theo một ước tính được công bố gần đây, Mobile Money được coi là cơ hội mang lại cho các nhà mạng doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm. Doanh thu này vừa là dư địa mới, vừa bao gồm cả doanh thu thanh toán nhỏ của các ngân hàng. Đây sẽ là "mỏ vàng" mới để các nhà mạng sẵn sàng khai thác trong thời gian tới.
Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, dịch vụ Mobile Money cũng đã có mặt và mang lại doanh số lên tới hàng tỷ USD.
Tại Việt Nam, đón đầu cơ hội tham gia vào thanh toán điện tử Mobile Money, các "nhà mạng" lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã nộp hồ sơ xin cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money từ năm 2019. Trong đó, VNPT và Viettel đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, không ngẫu nhiên khi vào năm 2019, cả 3 nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đăng ký thêm một ngành nghề kinh doanh, đó là "trung gian thanh toán".
Nếu nhìn lại 5 năm trở lại đây, ngành viễn thông thế giới chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 3%/năm. Mức doanh thu trung bình người dùng (ARPU) của viễn thông Việt Nam cũng liên tục trong nhóm thấp nhất châu Á trong 10 năm trở lại đây và liên tục giảm do cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà mạng.
Khó tăng thu ở cả viễn thông truyền thống và kinh doanh data, các nhà mạng đang liên tục tìm kiếm dư địa mới để phát triển. Động thái kể trên là động thái nhằm giúp 3 doanh nghiệp (DN) viễn thông dọn đường cho việc cung cấp dịch vụ Mobile Money khi được cấp phép cũng như mở ra dư địa mới cho các nhà mạng, đó là làm thay một phần việc của ngân hàng.
Tỏ rõ những lợi thế trong cuộc đua Mobile Money, ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai dịch vụ Mobile Money ngay sau khi được cấp phép. Cụ thể, Viettel đã xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán, hệ thống cung cấp dịch vụ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hệ sinh thái số thiết thực cũng đã được hình thành gồm thanh toán số và các dịch vụ tài chính số, thương mại điện tử trên nền thanh toán số.
Tương tự, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc VNPT Media cho biết, VNPT đã sẵn sàng cho Mobile Money về mọi mặt, từ hạ tầng đến tài chính. Lợi thế lớn của VNPT trong "cuộc đua" này là đã xây dựng được hệ sinh thái tài chính số. VNPT Pay đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán.
Ông Hải khẳng định, chỉ cần một tháng sau khi được cấp phép, DN có thể cung cấp dịch vụ ra thị trường. VNPT sẽ phủ dịch vụ Mobile Money tới 100.000 điểm bán của Tổng công ty, tiến tới thương mại điện tử và merchant (tổ chức sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến để bán hàng hóa và dịch vụ).
Chủ trương có, vẫn khó triển khai?
Tính toán cho thấy, cả nước có trên 125 triệu thuê bao di động, nếu 30% số thuê bao này sử dụng dịch vụ Mobile Money và chi tiêu 10 triệu đồng/tháng, thì dòng tiền chảy qua Mobile Money có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng/tháng. Còn nếu mỗi chủ tài khoản chỉ chi tiêu 100.000 đồng/tháng, con số này cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao để các cơ quan quản lý, các hãng viễn thông có thể quản lý được dòng tiền đó theo đúng mục đích phục vụ đời sống nhân dân, tránh được tiêu cực như rửa tiền, đánh bạc, tránh nguy cơ các hãng viễn thông đem tiền đó đi đầu tư vào các hoạt động rủi ro…
Bên cạnh đó, Mobile Money còn tiềm ẩn các rủi ro như: Dữ liệu của khách hàng có thể bị xâm phạm để dùng cho mục đích riêng hoặc gian lận; đại lý cung cấp dịch vụ có thể thu phí bất hợp pháp; khách hàng có thể chia nhỏ giá trị để lách quy định về hạn mức thanh toán; mất tiền…
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) từng thừa nhận, một trong những trăn trở nếu Việt Nam triển khai Mobile Money là chưa hình thành khuôn khổ pháp lý đối với loại hình dịch vụ này.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, việc triển khai Mobile Money mới chỉ ở dạng thí điểm, có nghĩa khung pháp lý cho hoạt động này mới chỉ ở dạng Sandbox. Tuy nhiên, dù mới chỉ triển khai thí điểm đi chăng nữa, hành lang pháp lý cho Mobile Money cũng phải đảm bảo được việc định danh, xác thực khách hàng. Bởi có thể sẽ có các hành vi mạo danh khách hàng trong việc mở và sử dụng Mobile Money để thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận.
Do đó, ông Dũng kiến nghị, phải định danh được khách hàng, nếu không trả lời được khách hàng là ai thì tất cả nguy cơ có thể xảy ra. Đồng thời phải bảo vệ dữ liệu về người dùng, định danh số… Thứ hai là phải ngăn chặn được hành vi lợi dụng hình thức thanh toán này cho các giao dịch bất hợp pháp như cờ bạc, cá độ… cũng như đảm bảo mục tiêu phòng, chống rửa tiền.
Tuy nhiên, đây là bài toán không hề đơn giản, bởi Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt cho phép các doanh nghiệp viễn thông định danh tài khoản Mobile Money thông qua tài khoản viễn thông mà không cần tài khoản ngân hàng; trong khi cũng rất khó để kiểm soát mục đích thanh toán của người sử dụng với hình thức này.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt có quy định hoạt động đại lý thanh toán, ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ...
Tuy nhiên rất khó để kiểm tra, kiểm soát lượng tiền mặt các điểm giao dịch đã nhận của khách hàng, rất dễ xảy ra trường hợp lợi dụng để tăng giá trị nạp tiền (làm thay đổi tỷ lệ 1:1) dẫn đến khó khăn trong việc quản lý lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Để hạn chế những rủi ro từ Mobile Money, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần có những biện pháp pháp lý kết hợp cùng công nghệ.
Trong đó, cần làm rõ quy trình phối hợp, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, giám sát và vận hành dịch vụ Mobile Money từ Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành liên quan. Các cơ quan chức năng phải hoàn thiện về pháp lý và hoàn thiện về công nghệ, làm chủ về công nghệ; đồng thời chỉ rõ những sai phạm để làm khuôn khổ định hướng để xử lý các hành vi sai trái trên dịch vụ này.
"Các doanh nghiệp viễn thông phải định danh khách hàng sử dụng thuê bao di động chặt chẽ trên thực tế, chứ không phải trên pháp lý để có kho dữ liệu chính xác. Theo đó, các nhà mạng viễn thông cần phải chuẩn hóa kho dữ liệu khách hàng, dữ liệu khách hàng phải chính xác, phải giải quyết triệt để vấn đề "SIM rác" chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nêu đề xuất.
Ông Vũ Hồng Thanh, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, nêu quan điểm các cơ quan chức năng cần từng bước tạo ra hành lang pháp lý cho Mobile Money hoạt động theo hướng "thử nghiệm" và "hoàn thiện". Tuy nhiên, về lâu dài cần tạo ra "sân chơi bình đẳng" giữa các nhà mạng và các doanh nghiệp đủ khả năng triển khai Mobile Money chứ không chỉ là 02-03 "ông lớn" với nhau như vậy sẽ tạo ra tính cạnh tranh và đưa dịch vụ này phát triển.
Ngoài ra, phải có quy định để đảm bảo các doanh nghiêp viễn thông tuân thủ nghiêm nguyên tắc 1:1 để không làm phát sinh lượng tiền tệ, gây khó cho công tác điều hành chính sách tiền tệ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận