Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần vay vốn ODA hơn 10.000 tỷ đồng
Để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần khoảng 13.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 10.000 tỷ đồng, còn lại hơn 2.700 tỷ đồng từ vốn đối ứng của Chính phủ.
Nội dung được đề cập trong tờ trình của Ban QLDA Mỹ Thuận gửi Bộ GTVT về việc đề xuất đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của JICA.
Cụ thể, để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đơn vị tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng (571,7 triệu USD). Trong đó, dự án được đề xuất vay vốn ODA của JICA dự kiến là 10.217,5 tỷ đồng (446,6 triệu USD), còn vốn đối ứng trong nước gần 2.752 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian thực hiện 5 năm sau khi hiệp định vay cho dự án có hiệu lực (giai đoạn 2021 - 2025).
Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các công trình trên tuyến có chiều dài khoảng 24km lên 8 làn xe. Riêng cầu Sông Tắc đầu tư lên 10 làn xe, cầu Long Thành lên 9 làn xe (5 làn chiều TP.HCM đi Long Thành và 4 làn chiều ngược lại). Đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây, dài 31 km giữ nguyên 4 làn như hiện nay.
Điểm đầu dự án nằm sau nút giao An Phú (TP. Thủ Đức), điểm cuối tại vị trí giao dự kiến với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành, Đồng Nai). Trong đó, đoạn đi qua TP HCM dài hơn 11,7 km, còn lại gần 12 km thuộc địa phận Đồng Nai.
Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị Bộ GTVT xem xét có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính về đề xuất dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng từ năm 2010 và hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2015 do JICA và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đồng tài trợ. Đây là trục giao thông chính rất quan trọng, trong đó một phần tuyến thuộc đường trục cao tốc Bắc - Nam phía Ðông, nhằm kết nối TP.HCM với các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sân bay Long Thành nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, hiện nay, tuyến cao tốc chỉ đang khai thác với quy mô 4 làn xe nên không bảo đảm năng lực thông hành, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm hoặc khi xảy ra các tai nạn, sự cố làm phương tiện chết máy, đặc biệt tại khu vực nút giao An Phú, trạm thu phí Long Phước.
Vì vậy, việc đầu tư mở rộng tuyến là rất cấp bách, góp phần kết nối giao thông, thúc đẩy giao thương giữa TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận