Mở lại đường bay quốc tế: Gấp rút khởi động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Với việc chuyến bay thương mại quốc tế của ngành hàng không Việt tái khởi động sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cùng với Nhật Bản tiếp nhận hồ sơ xin cấp mới visa cho công dân Việt Nam, đã mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong những tháng cuối năm.
Nhiều thị trường mở cửa trở lại
Đại dịch Covid 19 diễn ra, các nước đã áp dụng lệnh hạn chế các chuyến bay đến và đi giữa các quốc gia, thực hiện lệnh cách ly khi nhập cảnh… Các quy định đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, hoạt động đưa người lao động về nước do sức khỏe, hết hạn hợp đồng hoặc về trước hạn vì các lý do sức khỏe, tai nạn lao động, mang thai…. cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, mới đây, nhiều tín hiệu mới đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chủ lực của Việt Nam đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), nhiều thị trường xuất khẩu lao động chủ lực đều có mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam để khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19. Đáng chú ý, mới đây, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các biện pháp từng bước kích cầu nền kinh tế, hướng tới tái mở cửa đi lại quốc tế. Theo đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã chính thức thông báo bắt đầu tiếp nhận hồ sơ xin cấp mới visa cho công dân Việt Nam. Cụ thể, người mang quốc tịch Việt Nam sinh sống trong nước, sử dụng chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ được cấp visa vào Nhật Bản với mục đích lao động, lưu trú dài hạn theo các tư cách: kinh doanh, quản lý; thuyên chuyển công tác nội bộ; kỹ sư, trí thức, nghiệp vụ quốc tế; điều dưỡng; lao động có trình độ cao; hoạt động đặc định (khởi nghiệp, hộ lý, điều dưỡng EPA, ứng viên hộ lý, ứng viên điều dưỡng EPA).
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến nay, sau khi tình hình dịch có chuyển biến tích cực, giới chủ ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đang muốn tiếp tục nhận lao động Việt Nam để khôi phục sản xuất kinh doanh. Trọng điểm vẫn là 3 thị trường truyền thống: Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Trong hơn 10 năm qua, hàng năm, số lượng lao động Việt Nam sang 3 thị trường này chiếm trên 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do vậy, việc khôi phục 3 thị trường này quyết định Việt Nam có đạt mục tiêu đưa 130.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay hay không.
Đã có hợp đồng
Nhận định về thị trường xuất khẩu lao động trong thời gian tới, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, thị trường xuất khẩu lao động đã có dấu hiệu quay trở lại. Để đón đầu được cơ hội, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần chuẩn bị, tạo nguồn lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải đàm phán với phía bạn để có những giải pháp linh hoạt đưa lao động đến những địa bàn an toàn, không có dịch để bảo đảm an toàn cho người lao động.
Sau gần 4 tháng chờ đợi, giữa tháng 6, Công ty Hoàng Long CMS đã đưa 29 lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) theo đề nghị của nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử xe máy thuộc Tập đoàn Kymco (tại Đài Loan).
Ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Long CMS cho hay, sau khi sang Đài Loan, các lao động được chủ doanh nghiệp bố trí chỗ ở và cách ly trong 14 ngày trước khi đi làm. Đây là một tin vui, báo hiệu những khởi sắc trở lại của thị trường xuất khẩu lao động.
“Nhu cầu sử dụng lao động tại Đài Loan là rất lớn. Lao động Việt Nam đang được ưu tiên vì nguồn lao động lớn cho thị trường này từ Indonesia và Philippines vẫn là 2 nước đang có dịch. Trong thời gian tới, đây vẫn là thị trường trọng điểm của doanh nghiệp”, ông Nghiêm Quốc Hưng phân tích.
Ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Cung ứng nhân lực và thương mại quốc tế (Interserco) cho biết, trong tháng 7 đã bắt đầu làm thủ tục cho lao động sang Đài Loan và ưu tiên cho các lao động làm việc trong các ngành sản xuất, một số doanh nghiệp Đài Loan còn sẵn sàng thuê địa điểm cách ly cho lao động Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các doanh nghiệp thông tin đầy đủ, rõ ràng tới người lao động các chính sách được hưởng và chủ động trao đổi với các đối tác nước ngoài để đảm bảo người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt, bảo hiểm của họ theo hợp đồng đã ký.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận