“Mô hình Phần Lan” có thể là giải pháp thực tế cho Ukraine
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một giải pháp được nhiều chuyên gia nói tới nhằm hóa giải vị trí phức tạp của Ukraine giữa Đông và Tây là thông qua một chính sách tương tự như Phần Lan đã làm trong Chiến tranh Lạnh.
Khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều người cho rằng, kết quả có thể dẫn tới việc Ukraine theo đuổi mô hình trung lập bắt buộc, tương tự như mô hình Phần Lan. Điều đó có nghĩa là Ukraine sẽ buộc phải từ chối bất kỳ hình thức hội nhập nào với phương Tây. Nước này sẽ được coi như một “vùng đệm” giữa Đông và Tây.
Từ nhiều năm qua, Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU), nhưng luôn vấp phải sự phản đối của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần cảnh báo việc Kiev gia nhập NATO là “lằn ranh đỏ” đối với Moscow.
Mô hình Phần Lan
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Juho Kusti Paasikivi, Phần Lan đã ký thỏa thuận với Liên Xô, theo đó công nhận tính chất trung lập của Phần Lan trong trường hợp xảy ra xung đột giữa các cường quốc và Phần Lan sẽ không phê chuẩn các chính sách đối ngoại xung đột với lợi ích của Liên Xô. Nhờ đó, Phần Lan được tự do cả về chính trị và kinh tế. Thực tế ngày nay, Phần Lan là quốc gia phát triển mạnh mẽ ở cả 2 khía cạnh này.
Theo các nhà phân tích, mô hình phù hợp cho Ukraine không phải là Phần Lan thời Chiến tranh Lạnh, mà là Phần Lan ngày nay.
Phần Lan ngày nay vẫn giữ thái độ trung lập, nhưng đã ở một vị trí có lợi hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh. Hiện Phần Lan là thành viên đầy đủ của Liên minh Châu Âu và được hưởng lợi rất nhiều từ sự hội nhập kinh tế và chính trị này.
Tổng thống Ukraine Zelensky gần đây đã kêu gọi EU xem xét cho phép Kiev trở thành thành viên của khối theo “thủ tục đặc biệt mới”. Lời kêu gọi của ông nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo các nước như Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia. Trong một bức thư ngỏ, những nước này đã yêu cầu “các tổ chức của EU tiến hành các biện pháp nhằm ngay lập tức thông qua tình trạng quốc gia ứng viên EU cho Ukraine và mở ra quy trình đàm phán”.
Tuy nhiên, một “thủ tục đặc biệt” như ông Zelensky đã nêu không tồn tại và thậm chí ngay cả khi đạt được tình trạng quốc gia ứng viên, Ukraine cũng phải trải qua cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu và sự nhất trí của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU. Dù trở thành ứng viên, Ukraine vẫn có thể mất hàng năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ mới được thông qua tư cách thành viên.
Thực tế của nhiều quốc gia phía Tây Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, gia nhập EU không chỉ đòi hỏi một loạt các cải cách chính trị, kinh tế và luật pháp, mà còn cả về mặt chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ là ví dụ điển hình nhất khi nước này trở thành quốc gia ứng viên từ năm 1999 nhưng tới nay vẫn chưa trở thành thành viên EU.
Việc Nga chấp nhận Ukraine trở thành thành viên EU trong một kịch bản hậu xung đột có thể khó xảy ra, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng ban đầu phát sinh một phần vì Nga lo ngại Ukraine liên kết với EU. Tuy nhiên, Moscow có thể sẽ chấp nhận nếu đổi lại sự nhượng bộ của NATO rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên của khối.
Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ đã cảnh báo từ hơn 2 thập kỷ trước về mối nguy hiểm ngày càng gia tăng liên quan tới chính sách mở rộng về phía Đông của NATO, tới gần Nga. Những lời cảnh báo này khi đó không được chú ý đến và giờ Ukaine đang phải gánh chịu hậu quả.
Trong cuộc khủng hoảng liên quan đến Crimea năm 2014, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng nêu quan điểm rằng, Ukraine nên theo đuổi “mô hình tương tự như Phần Lan”. Theo ông, Ukraine không nên gia nhập NATO bởi điều đó sẽ khiến Ukraine trở thành mặt trận cho cuộc đối đầu Đông - Tây.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski trong một bài viết trên Financial Times thời gian đó cũng cho rằng “mô hình Phần Lan là hợp lý đối với Ukraine”.
Ukraine không còn tha thiết muốn gia nhập NATO
Trả lời phỏng vấn ABC News ngày 7/3 Tổng thống Zelensky cho biết, ông không còn tha thiết mong muốn Ukraine gia nhập NATO như trước đây nữa, sau khi hiểu ra rằng NATO không muốn đối đầu với Nga.
Trước đó, ông David Arakhamia, thành viên phái đoán Ukraine tham gia đàm phán với Nga cho biết, phản ứng mà Ukraine nhận được từ các nước NATO là họ không sẵn sàng thảo luận về việc đưa Kiev vào NATO. Do vậy, Ukraine sẵn sàng thảo luận về một số mô hình phi NATO, không chỉ trong các cuộc thảo luận song phương với Nga mà còn với các đối tác khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận