Mô hình nào cho Sở GDCK Việt Nam nhìn từ sự vội vã khi cổ phần hoá ACV?
Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV và 100% là vốn ngân sách nhà nước. Không nên quy định vốn 50% bởi dây là điều rất nguy hiểm nếu nhìn lại sự vội vã khi cổ phần hoá Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV).
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM).
Dù Quốc hội chỉ sắp xếp giờ đồng hồ trong chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV để các đại biểu thảo luận về một số ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Song đối cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, đây vẫn là cơ hội quý báu để ghi nhận, tiếp thu những ý kiến mới trước khi Luật chứng khoán (sửa đổi) được bấm nút thông qua vào ngày 26/11.
Lần này, chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH nhất chính là mô hình hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Sở GDCK Việt Nam).
Liên quan đến tổ chức hoạt động của mô hình Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, vốn hoá TTCK Việt Nam hiện đã lên 5,6 triệu tỷ đồng, so với GDP của năm 2018 đã đạt trên 100% GDP. Trong đó, Sở GDCK TP.HCM (HSX) đóng góp trên 85% vốn hoá này.
“Tôi nói như vậy để khi tính toán xây dựng mô hình tổ chức Sở Giao dịch chứng khoán thì chúng ta cần phải có tính kế thừa với luật cũ”, ông Ngân cho biết.
Tiếp đó, Việt Nam hiện có khoảng 2,3 triệu tài khoản nhà đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ sở hữu 30.000 tài khoản nhưng lại nắm giữ khoảng 25% giá trị, tương đương khoảng 35 tỷ USD. Điều đó đòi hỏi chúng ta thận trọng hơn nữa trong việc tổ chức TTCK Việt Nam.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề xuất: “Tôi đề nghị kỳ điều chỉnh luật này chúng ta nên xem xét có thể quy định các nội dung đã được Thủ tướng quy định trong Quyết định số 32/QĐ-TTg năm 2019. Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và 100% là vốn ngân sách nhà nước, chúng ta không nên quy định vốn 50%. Đây là điều rất nguy hiểm như sự vội vã cổ phần hoá của Tổng công ty Hàng không Việt Nam ACV vừa rồi, có lúc chúng ta định mua lại cổ phần đã cổ phần hoá.
Đối với mô hình Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, tôi đề nghị tổ chức dưới hình thức công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước và tổ chức theo hình thức công ty mẹ-con. Hiện nay, đang có hai sở con là Sở GDCK TP.HCM (HSX) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) có tư cách pháp nhân độc lập, hạch toán độc lập và đang hoạt động rất tốt theo mô hình này”.
Theo ông Ngân, khi giải lao thì các thành viên của Sở GDCK TP.HCM đã tỏ ra lo lắng sau khi đọc dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).
“Nếu chúng ta ghép lại, tổ chức Sở GDCK Việt Nam đặt tại Hà Nội, còn tại TP.HCM chỉ là chi nhánh, rồi kết với nhau, sẽ phá huỷ sự tồn tại hiện nay, kìm hãm sự phát triển của Sở GDCK Việt Nam. Với sự nghiên cứu và hết sức thận trọng khi phát biểu, tôi rất mong Quốc hội ủng hộ Sở GDCK Việt Nam được tổ chức dưới hình thức Công ty TNHH MTV, 100% vốn ngân sách nhà nước và hình thành dưới hình thức là Công ty mẹ - con, còn lại những chức năng khác được Thủ tướng quy định chi tiết. Thủ tướng đã có hướng dẫn chi tiết thông qua Quyết định số 32/QĐ-TTg năm 2019”, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau).
Trong khi đó, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, quy định trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) chưa tạo khuôn khổ pháp lý cho Sở GDCK tổ chức, vận hành với tư cách là một doanh nghiệp như mục tiêu đặt ra.
“Tôi cho rằng thế giới ngày nay đang tổ chức lại mô hình tổ chức này theo hướng sáp nhập các sở giao dịch. Nhiều nơi thành lập tập đoàn liên quốc gia phù hợp với vận hành thể chế kinh tế toàn cầu. Đây là việc quy định rất đúng hướng, trong nước chúng ta phải chào đón xu hướng này.
Trong Luật, tại Điều 42 và Điều 45 có đề cập quyền và nghĩa vụ của Sở GDCK, nhưng mới chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của Sở GDCK Việt Nam. Trong khi đó mô hình này theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ ở Quyết định số 32 là mô hình công ty mẹ-con, chúng ta chỉ quy định mẹ mà không quy định con, trong khi công ty còn lại là công ty trực tiếp thực hiện các giao dịch chứng khoán, thực hiện khớp lệnh mua bán chứng khoán, điều này trực tiếp tác động đến quyền và lợi ích của những người tham gia chứng khoán là người dân chúng ta lại không chế định nó vào luật”, ĐBQH Lê Thanh Vân nhận xét.
Một vấn đề khác được ông Vân nêu ra là sự phân chia thị trường chuyên biệt có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh ngay chính trong hệ thống của Sở GDCK. Ngoài ra, có thể phân tán nguồn lực thu hút đầu tư thông qua thị trường đặc biệt này.
“Tôi đề nghị chúng ta cần phải rà soát lại quy định tại Điều 42 và Điều 45 theo hướng trao cho Thủ tướng quy định về quyền, nghĩa vụ và quyền hạn của Sở Giao dịch chứng khoán nói chung, còn phân tầng ra là Sở GDCK Việt Nam và các sở giao dịch chứng khoán ở các điểm thành lập, nên quy định cụ thể bởi văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta đã trao cho Thủ tướng quyền thành lập về tổ chức thì cũng nên trao cho Thủ tướng quyền quy định cho nó nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể để bảo đảm tính nhất quán trong tổ chức về thị trường, đây là thị trường đặc biệt”, ông Vân nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Từ vị trí điều hành, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, quy định Sở GDCK Việt Nam giữ trên 50% cổ phần chi phối là điểm mới cần phải thảo luận rất kỹ. Ông Hiển đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng suy nghĩ để giải thích thêm.
Trong khi Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, nên giao cho Thủ tướng quy định về thẩm quyền phân công, phân cấp quyền và nghĩa vụ của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cho các sở. Và không cần nói mẹ-con nữa, vì theo Luật Doanh nghiệp là có mẹ-con.
Về đề xuất Sở GDCK Việt Nam nên là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm 100% vốn của ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần phải nghiên cứu và cũng có thể tiếp thu báo cáo Quốc hội lộ trình trước hết là sắp xếp hai sở giao dịch chứng khoán hiện tại thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam từ nay đến năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận