24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vạn Lịch
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mô hình lừa đảo Ponzi đã đẩy “Thụy Sĩ của Trung Đông” sụp đổ ra sao?

Liban đã từng có tăng trưởng nhanh chóng và thu hút được nguồn vốn khổng lồ từ quốc tế. Nhưng sau gần 3 thập kỷ, chính sách tiền tệ của quốc gia này bắt đầu trở nên giống như một mô hình lừa đảo Ponzi ở tầm quốc gia.

Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ vào tháng 8 năm ngoái, tại Beirut - thủ đô của Lebanon, đã xảy ra một vụ nổ kinh hoàng khiến hơn 200 người chết và 7500 người bị thương. Sau 1 năm, tình hình của Liban không hề có sự cải thiện và thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều do dịch bệnh và những cuộc biểu tình. World Bank mới đây đã nhận định rằng, Liban đã rơi vào khủng hoảng kinh tế và đây có thể là cuộc khủng hoảng quốc gia tệ nhất trong lịch sử thế giới.

Thời kỳ hoàng kim của Ngân hàng trung ương Lebanon

Những vấn đề mà Liban đang gặp phải là hậu quả của những chính sách kinh tế sai lầm và một bộ máy tham nhũng. Vậy cụ thể điều gì đã xảy ra với một quốc gia từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông”?

Năm 1993, Liban kết thúc một cuộc nội chiến kéo dài 15 năm với một thỏa thuận hòa bình giữa các bên xung đột. Để tái thiết lại đất nước, Tổng thống mới đã chọn Riad Salameh - một người từng làm Phó Giám đốc tại Ngân hàng Merill Lynch trở thành Thống đốc Ngân hàng trung ương Liban. Trong khoảng hai thập kỷ đầu tiền, Salameh đã giúp cho nền kinh tế và hệ thống tài chính của Liban hoạt động trơn tru trong điều kiện chính trị đầy bất ổn, và thậm chí truyền thông còn trao cho ông cái tên “phù thủy tài chính”.

Mô hình lừa đảo Ponzi đã đẩy “Thụy Sĩ của Trung Đông” sụp đổ ra sao?
Thống đốc Ngân hàng trung ương Liban Riad Salameh

Thành tích của Riad Salameh là ổn định được siêu lạm phát tại Liban, đồng thời thu hút được một dòng vốn ngoại khổng lồ vào quốc gia này. Từ năm 2000 đến 2015, mức dự trữ ngoại hối của Liban tăng gần 7 lần lến khoảng 55 tỷ USD, đem đến cho Liban cái tên “Thụy Sĩ của Trung Đông”.

Để làm được điều này, Ngân hàng Trung ương Liban đã neo đồng tiền của nước này với USD để loại bỏ rủi ro biến động tỷ giá - ấn định quanh mức 1,507 bảng Liban đổi sang 1 USD. Sau khi đã ổn định được đồng nội tệ, Riad Salameh nâng lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng Trung ương, giúp cho các ngân hàng thương mại có thể đưa ra một mức lãi suất rất hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.

Từ năm 2011 đến 2016, Ngân hàng Trung ương Liban trả mức lãi suất trung bình của tiền gửi bằng đồng USD cho các ngân hàng thương mại tại là khoảng 7% - 8%, cao hơn nhiều so với mức lãi suất của đồng USD tại Mỹ (trong khoảng 1,5% - 2,4%).

Khi tiền không được dùng cho đúng mục đích

Hàng tỷ USD nhanh chóng đổ vào Ngân hàng Trung ương Liban khiến cho nợ công chính phủ tăng cao, và đây chính là lúc vấn đề bắt đầu lộ ra. Những đồng tiền đúng ra nên được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp hoặc công nghiệp - vốn là những lĩnh vực đang kém phát triển tại Liban, thì lại lần lượt chảy vào những túi tiền tham nhũng của quan chức chính phủ.

Mô hình lừa đảo Ponzi đã đẩy “Thụy Sĩ của Trung Đông” sụp đổ ra sao?
Người dân Lebanon xếp hàng dài mua xăng vì nguyên liệu ngày càng khan hiếm và mỗi người chỉ được mua một lượng xăng nhất định.

Hậu quả là nền kinh tế của Liban dựa rất nhiều vào du lịch và tài chính, và hàng hóa tiêu thụ thì phải nhập khẩu đến 80% do gần như không có hoạt động sản xuất. Sau gần 3 thập kỷ, chính sách tiền tệ của Liban bắt đầu trở thành một mô hình lừa đảo ponzi ở tầm quốc gia: các ngân hàng thương mại đặt ra mức lãi suất cao để hút tiền, và sau đó trả lãi đó bằng… lãi từ gửi tiền tại Ngân hàng Trung ương.

Và điều phải đến cũng đã đến. Chính phủ Liban không thể liên tục in tiền để trả nợ trong khi nền kinh tế thì trì trệ và thiếu những ngành sản xuất trọng yếu. Năm 2019, khi những cuộc biểu tình của người dân Liban ngày càng xuất hiện nhiều hơn, các nhà đầu tư quốc tế bắt đầu nhận ra chính phủ Liban sẽ không đủ năng lực tài chính để gánh được khoản tiền gửi ngoại tệ khổng lồ, và họ bắt đầu rút tiền ồ ạt. Đồng Liban nhanh chóng mất giá, giảm đến 90% giá trị tính từ cuối năm 2019 đến nay. Nợ công năm 2020 chiếm đến 170% GDP của Liban, và theo nhận định của FitchRatings, với tình hình này thì Ngân hàng Trung ương Liban sẽ sớm vỡ nợ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả