Mô hình farmstay - Du lịch nghỉ dưỡng hay hình thức biến tướng để lấn chiếm đất rừng?
Mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) đang nở rộ với nhiều hình thức mới nhưng vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh.
Thủ tướng yêu cầu tránh các biến tướng tiêu cực của farmstay
Một ngôi nhà nghỉ dưỡng ngoại ô, cộng với một khu vườn nhỏ xinh để trồng rau, thả cá đang là giấc mơ của rất nhiều người dân thành phố. Nhiều người có điều kiện tài chính đã hiện thực hóa ước mơ này tại các khu vực ngoại thành, hoặc các tỉnh lân cận. Nắm bắt được nhu cầu đó, mô hình trang trại nghỉ dưỡng farmstay đã xuất hiện trên thị trường bất động sản khoảng 1 năm trở lại đây.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu xử lý một số thông tin báo chí phản ánh về hoạt động của mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay).
Theo văn bản, mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) đang nở rộ với nhiều hình thức mới, nhưng vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh và phần lớn các dự án farmstay có nguồn gốc đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thậm chí là đất lấn chiếm. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu để ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động của mô hình farmstay, tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có giải pháp quản lý phù hợp.
Thiếu quy định quản lý farmstay
Tại nhiều dự án khác Farmstay, đang có hiện tượng phân lô đất nông nghiệp, đất rừng thành các farmstay trái phép, gây lo ngại về sự biến tướng của mô hình này.
Hàng trăm lô nền tại Dự án Lâm Đồng farmstay được quảng cáo rầm rộ với giá khoảng 370 triệu đồng/1 lô. Các Bungalow mẫu cũng được dựng lên. Tuy nhiên, đây lại là dự án bảo vệ rừng.
Hàng loạt dự án farmstay khác cũng được đăng tải rầm rộ trên các website địa ốc. Đáng chú ý, dù đang xây trên đất rừng, đất nông nghiệp, nhưng một số dự án vẫn đưa ra cam kết: "Lợi nhuận cho thuê farmstay đến 50 triệu đồng/năm trong 10 năm". Chủ đầu tư cam kết nếu không hỗ trợ làm sổ đỏ được sẽ mua lại cao hơn giá ban đầu. Tuy nhiên, tất cả chỉ là hợp đồng cam kết dân sự, không đảm bảo pháp lý cho người mua.
Trước farmstay, hàng loạt các mô hình mới cũng đã xuất hiện trên thị trường bất động sản như căn hộ du lịch condotel, căn hộ văn phòng officetel.
Nhiều chuyên gia ví von, sự xuất hiện của các loại hình kinh doanh mới, trong đó có farmstay, trong khi chưa có khung pháp lý kèm theo, giống như việc "làng nước đi trước, quản lý theo sau". Làm thế nào để chấm dứt hiện tượng này đang là câu hỏi lớn đặt ra lúc này.
Trong văn bản gửi Thủ tướng và các Bộ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, loại hình dự án khu du lịch trải nghiệm nông thôn farmstay là nhu cầu mới của thị trường, nên rất cần xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh.
Để tránh việc farmstay biến tướng, hiệp hội kiến nghị, không cho phép tách thửa đối với các loại đất không phải "đất ở". Đặc biệt, các doanh nghiệp muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng sang làm "farmstay" phải lập dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, điểm quan trọng nhất trong việc quản lý farmstay là cần kiểm soát chặt mục đích sử dụng đất.
Vì là sản phẩm mới, nên hầu hết các farmstay vẫn chưa được kiểm nghiệm về cách thức vận hành, tỷ suất sinh lời. Chính vì tính pháp lý chưa rõ ràng, nên sau vài ba năm farmstay có thể tăng giá, sinh lời, nhưng với một số trường hợp, cũng có thể đất nằm trong quy hoạch bị thu hồi, hoặc năng lực của chủ đầu tư yếu kém, lúc đó người chịu thiệt chính là khách hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận