24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyen Duc Hao.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mở cửa trở lại, Trung Quốc có đủ sức 'tiếp lửa' cho kinh tế toàn cầu?

Việc Trung Quốc dần nới lỏng chính sách không khoan nhượng với Covid-19 (Zero Covid) đã thắp lên những hy vọng cho nền kinh tế giới. Tuy nhiên, thị trường quốc tế vẫn cân nhắc khả năng tái gia nhập của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sau gần ba năm kiên trì với chính sách Zero Covid, hai tuần trước, Trung Quốc công bố nới lỏng các biện pháp chống dịch và dự kiến mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Động thái của quốc gia đóng vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến thế giới lạc quan.

Lạc quan và kỳ vọng

Những biện pháp nhằm quản lý đại dịch như xét nghiệm hàng loạt hàng ngày, mã y tế, các yêu cầu kiểm dịch tập trung… áp dụng nghiêm ngặt trong một thời gian dài đã gây khó khăn và làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh.

Vì vậy, việc nới lỏng các hạn chế được cho là sẽ tiếp sức cho các nhà sản xuất của Trung Quốc quay trở lại hoạt động và nhanh chóng bắt kịp tốc độ với phần còn lại của thế giới khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nỗ lực lấy lại được mức năng suất trước đại dịch.

"Chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn giữa phòng chống dịch và phát triển xã hội, giữ vững trật tự sản xuất và sinh hoạt", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo hôm 8/12 với nhận định kinh tế nước này sẽ tăng tốc trở lại sau các điều chỉnh mới.

Các tín hiệu từ Trung Quốc khiến thị trường toàn cầu lạc quan hơn, trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo sẽ đối mặt với viễn cảnh u ám hơn trong năm sau với tăng trưởng tiếp tục giảm.

Theo tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU), tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc (GDP) trong năm 2023 dự kiến khởi sắc từ hoạt động kinh tế trong nửa cuối năm.

Phát biểu tại cuộc họp báo với lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn ngày 9/12, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khẳng định: “Sự thể hiện của Trung Quốc quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với nền kinh tế thế giới”.

Trước đó, IMF ước tính GDP của Trung Quốc sẽ tăng 3,2% trong năm nay và 4,4% vào năm 2023.

Động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc được các nhà kinh tế và giới doanh nghiệp hoan nghênh và dự báo, nhu cầu về hàng hóa và linh kiện cần thiết cho các sản phẩm như iPhone, vốn được sản xuất số lượng lớn tại Trung Quốc, sẽ tăng mạnh.

Những biến số khó lường

Ở chiều ngược lại, việc Trung Quốc nới lỏng hạn chế giúp hồi sinh nền công nghiệp và sản xuất của nước này có thể khiến nhu cầu về một số nguồn nguyên, nhiên liệu tăng cao. Trước khi áp dụng các biện pháp phong tỏa kéo dài để phòng dịch Covid-19, Trung Quốc là một trong những quốc gia có nhu cầu lớn nhất thế giới về các nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp đang phát triển của mình.

Một trong những mặt hàng được Trung Quốc tìm kiếm nhiều nhất hiện nay là khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Đây cũng là nguồn năng lượng chính mà Tây Âu đang cần đến.

Trong bối cảnh giá năng lượng tại các quốc gia châu Âu đang gia tăng mạnh, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt khí đốt đối với Nga để phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, việc “cỗ máy công nghiệp khổng lồ” của Trung Quốc được tái khởi động, rất có thể sẽ gây thêm áp lực về giá lên mặt hàng thiết yếu này.

Đồng thời, giống như nhiều quốc gia khác lựa chọn mở cửa trở lại sau một thời gian thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt phòng Covid-19, Trung Quốc dự kiến có số ca nhiễm tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều khả năng sẽ tạo thêm gánh nặng đối với chuỗi cung ứng và tiêu dùng”, EIU cho biết trong một báo cáo công bố hôm 20/12.

Trên thực tế, Trung Quốc đã chứng kiến số ca nhiễm tăng đột biến sau khi nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp chống Covid-19. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm vào ngày 28/11, số ca nhiễm nhiều nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán vào đầu năm 2020.

Số ca lây nhiễm tăng mạnh cũng dấy lên những lo ngại với các nước láng giềng, đặc biệt là các quốc gia vốn dựa chủ yếu vào ngành du lịch.

Khách du lịch Trung Quốc hiện là nhóm du khách chiếm thị phần lớn nhất của ngành du lịch nhiều quốc gia Đông Nam Á. Đây cũng là nhóm khách mở hầu bao nhiều nhất.

Theo Cổng dữ liệu thống kê ASEAN, năm 2019, 10 quốc gia thành viên đã thu hút khoảng 32,3 triệu du khách Trung Quốc. Tuy vậy, con số này đã giảm mạnh xuống còn khoảng 4 triệu du khách vào năm 2020 khi đại dịch bùng phát và Trung Quốc đóng cửa biên giới.

Triển vọng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại những điểm du lịch yêu thích được kỳ vọng sẽ giúp hồi sinh tích cực ngành du lịch Đông Nam Á.

Nhưng cơ hội luôn song hành kèm với rủi ro. Khi hàng triệu khách du lịch Trung Quốc bắt đầu quay trở lại các điểm nghỉ dưỡng trên khắp thế giới, câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia và các chính phủ đã sẵn sàng đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 và có các biện pháp đối phó kịp thời và hiệu quả hay không?

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả