24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Tình
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mở cửa lại thị trường khách quốc tế: Cần đi trước các đối thủ trong khu vực một bước

Để mở cửa lại thị trường khách quốc tế, Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, trước mắt cần đảm bảo chỉ khai thác các chuyến bay thẳng và đồng thời, thực hiện khai báo y tế bắt buộc, đo nhiệt độ, xét nghiệm với khách nhập cảnh.

Chuẩn bị sẵn sàng để đón khách quốc tế khi đủ điều kiện

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 9/6, liên quan đến việc mở các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước.

Cùng ngày Văn phòng Chính phủ công bố kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch hậu COVID-19 và cơ cấu lại thị trường du lịch.

Trong đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “kiên quyết ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài để giữ ổn định cho bên trong phát triển”, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn bằng những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực và kịp thời.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xử lý công việc hàng ngày; khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đề xuất kế hoạch nghỉ lễ và kế hoạch nghỉ hè của học sinh cho phù hợp với mục tiêu kích cầu du lịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2020.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan có văn bản đề nghị các địa phương chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với giải pháp thiết thực, kịp thời như cắt giảm các khoản phí, lệ phí, giá vé tham quan, du lịch trên địa bàn; xây dựng để kịp thời triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện.

Những thông tin trên được xem là mở ra cơ hội để ngành du lịch khôi phục lại thị trường khách quốc tế vốn đang "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cần một quy trình được đồng thuận và một bộ thủ tục mở cửa thị trường

Liên quan đến các giải pháp phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19, trong bức thư gửi Thủ tướng mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, quyết định mở lại thị trường du lịch nội địa là một bước quan trọng đối với ngành du lịch.

Tuy nhiên, theo TAB quyết định này chưa đủ để giảm bớt những tổn thất mà ngành du lịch đã và đang trải qua khi chưa mở cửa lại đối với du khách quốc tế từ những thị trường được đánh giá là đã an toàn và có sự yên tâm là du khách đến từ những quốc gia cụ thể đó sẽ không đem đến những rủi ro sức khỏe đối với người dân Việt Nam.

Để có thể mở cửa lại các thị trường quốc tế, theo TAB, rất cần có một quy trình được đồng thuận và một bộ thủ tục mở cửa thị trường. Một thủ tục cụ thể có thể là thương thảo các thỏa thuận song phương với từng nước và các công việc triển khai thực hiện.

TAB kiến nghị Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến các thỏa thuận song phương, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 và TAB.

Theo đó, TAB đề xuất 8 thủ tục để du lịch Việt Nam có thể đi trước một bước hoặc ít nhất ngang bằng về thời điểm với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực:

Thứ nhất, là mở lại các đường bay và đảm bảo rằng chỉ được phép khai thác các chuyến bay thẳng (do vậy có thể cần thiết cho phép bay thuê chuyến đến các thị trường chưa có chuyến bay thường lệ);

Thứ hai, miễn visa du lịch;

Thứ ba, yêu cầu du khách nhập cảnh khai báo y tế;

Thứ tư, đo nhiệt độ hành khách nhập cảnh;

Thứ năm, thỏa thuận về việc xét nghiệm xác suất COVID-19 đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm;

Thứ sáu, cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam;

Thứ bảy, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khác theo thỏa thuận trong các hoạt động du lịch an toàn.

Tám là thực hiện các biện pháp đóng thị trường (nếu cần thiết) khi xuất hiện rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng.

Cũng theo TAB, trước khi mở cửa đối với mỗi quốc gia cụ thể, cần đảm bảo rằng quốc gia đó đã đạt được những tiêu chí đáng tin cậy để đảm bảo an toàn cho người dân Việt Nam (như số lượng ca nhiễm đang có, mức độ ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng và xu hướng).

TAB kiến nghị bắt đầu đàm phán với các thị trường nguồn quan trọng nhất và các nước có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đáng kể nhất, trước mắt là các nước ở châu Á và khu vực châu Đại Dương. Các thỏa thuận đó sẽ được triển khai và có hiệu lực khi nào các tiêu chí đã thỏa thuận được thỏa mãn và các chuyến bay thẳng được thiết lập.

Đồng thời, TAB cũng khuyến nghị có thể xem xét việc giới thiệu các khu nghỉ dưỡng trọn gói và biệt lập an toàn, thỏa mãn tiêu chí khai thác an toàn cho các nhóm du khách đến bằng các chuyến bay thuê chuyến, cho phép toàn nhóm được giới hạn không gian ở một địa điểm để loại bỏ rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng.

Cuối cùng để đạt được các bước đi và hành động trên, Việt Nam cần sẵn sàng thực hiện một chương trình quảng bá định vị Việt Nam như một “Thiên đường an toàn” và nêu rõ những kỳ tích mà Việt Nam đã đạt được trong việc kiểm soát và chống lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 3,73 triệu lượt, giảm 48,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả