menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dung Phạm

Mở cửa đón sóng FDI sau dịch Covid-19

Không chỉ hấp dẫn bởi môi trường chính trị an toàn và chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng đang tạo ấn tượng tốt đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Một làn sóng đầu tư nước ngoài

Thông tin mới nhất vừa được tờ báo chuyên về kinh tế - tài chính nổi tiếng Nikkei Asian Review tiết lộ, khoảng 3-4 triệu chiếc tai nghe không dây (AirPods) sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong quý 2/2020.

“Việc sản xuất hàng loạt AirPods ở Việt Nam có thể đã bắt đầu từ hồi tháng Ba. Các chuyên gia làm việc cho một nhà cung ứng của Apple thậm chí còn được nhà chức trách Việt Nam cho phép nhập cảnh trong thời điểm các biện pháp kiểm soát Covid-19 được áp dụng trên quy mô toàn quốc”, tờ Nikkei Asian Review cho hay.

Việc Apple rục rịch tuyển nhân sự trong thời gian gần đây cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi hãng này cho biết, thời gian tới sẽ thành lập một “đội ngũ nhỏ nhưng sẽ sớm phát triển mạnh” tại Việt Nam. Vị trí Giám đốc điều hành sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển thị trường Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển và cơ hội cho Việt Nam

Theo tờ Nikkei Asian Review, việc dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ là xu hướng không thể đảo ngược. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ sẽ cần dần dần tìm kiếm các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Hầu hết các công ty Mỹ, bao gồm cả Apple, đang tìm kiếm các cơ sở sản xuất ở những quốc gia khác. Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ hay một số nước châu Mỹ và Đông Nam Á đang trở thành những điểm đến ưa thích.

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 khiến làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ càng đẩy nhanh hơn một khi dịch bệnh trên toàn cầu được kiểm soát.

Gần đây, chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu các công ty của Mỹ sớm di dời nhà máy tại Trung Quốc.

Hiện một số doanh nghiệp đã về Mỹ, còn một số đến nước thứ 3 đầu tư, trong đó tại Đông Nam Á có Indonesia và Việt Nam đã được nhiều tập đoàn lớn của Mỹ lựa chọn.

“Thời kỳ hậu Covid-19, chúng tôi cho rằng các công ty FDI tiếp tục dịch chuyển sang Việt Nam nhưng lần này sẽ mạnh mẽ hơn”, chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn VinaCapital Michael Kokalari cho hay.

Ông Stephen Olson, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ - hiện đang làm việc tại Quỹ Hinrich Foundation nhận định, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đang đem lại cơ hội mới cho nhiều quốc gia.

“Gần như chắc chắn một số sẽ rời khỏi Trung Quốc nhưng cũng chỉ ở mức giới hạn vì Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia khác. Câu hỏi lớn nhất đối với Việt Nam là làm sao xây dựng được năng lực hiệu quả để thu hút những chuyển dịch đó của chuỗi cung ứng” - ông Olson nói.

Theo ông Olson, để tối ưu hóa cơ hội trước mắt, Việt Nam cần cải thiện hạ tầng công nghệ cũng như kỹ năng của lực lượng lao động. Ông cho rằng sự chuyển dịch chuỗi sản xuất sẽ đem lại nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đáng kể cho Việt Nam.

Môi trường đầu tư an toàn

Không chỉ hấp dẫn bởi môi trường chính trị an toàn và chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng đang tạo ấn tượng tốt đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 vừa được công bố cho thấy, các doanh nghiệp FDI tiếp tục đánh giá tích cực môi trường kinh doanh Việt Nam. Những cải thiện ấn tượng nhất là lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức, cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Cuộc điều tra mới đây do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đối với hơn 3.500 doanh nghiệp Nhật có ý định đầu tư ra nước ngoài cũng cho thấy, số doanh nghiệp lựa chọn Việt Nam đã tăng ấn tượng, từ 5,5% lên 41%. Trong đó, số doanh nghiệp dự kiến đầu tư vào ngành điện tử tăng 15,6%, dệt may tăng hơn 14%.

Các thành viên thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng hoan nghênh các biện pháp của Chính phủ, trong đó có Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Bà Shirakawa Satoko, phụ trách khối doanh nghiệp Nhật Bản và các quốc gia sử dụng tiếng Anh của Công ty Kizuna dự báo, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ dẫn đầu gia tăng FDI vào Việt Nam.

“Ngoài việc muốn giảm chi phí sản xuất, trong đó có chi phí nhân công khi dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản còn không muốn bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để hạn chế rủi ro, điều này sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam nhanh chóng hơn”, bà Shirakawa Satoko thông tin.

Chủ động nắm bắt

Để thúc đẩy làn sóng FDI sắp tới, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này là lúc Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách để có thể giữ chân, giúp các doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn. Một khi các nhà đầu tư FDI cảm thấy những chỉ dấu hỗ trợ chân thành từ Chính phủ Việt Nam để đối phó với khủng hoảng hiện tại, họ chắc chắn sẽ quay lại với những khoản đầu tư lớn hơn khi tình hình trở lại bình thường.

Dự báo về dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam trong thời gian tới, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, sự sụt giảm có thể sẽ kéo dài trong năm 2020, song nếu có những giải pháp đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, quản lý dự án đầu tư nước ngoài sẽ vẫn thu hút tốt dòng vốn FDI.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, muốn chặn đà giảm sút FDI, sau dịch, phải đến tận “headquater” (trụ sở chính) của nhà đầu tư để tìm kiếm các cơ hội. “Sau dịch, cạnh tranh thu hút FDI sẽ rất mạnh. Quan trọng là chúng ta chủ động” - ông Cung cho hay.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, với kết quả chống dịch vừa qua, Việt Nam được các nước đánh giá rất cao. Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cực kỳ tốt cho Việt Nam.

“Cần phải chuẩn bị đón làn sóng đầu tư, bởi Việt Nam là một trong những điểm đến tin cậy, điểm sáng, môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả thành công” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả