menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Quốc Vinh

Mở cửa để làm gì?

Nếu không phải lo cho ai, tôi sẽ sống khoẻ, ít nhất là một vài năm, khi thành phố phong toả. Tôi đã có 2 tháng ở nông thôn Ba Vì, cả nhà 3 người chi tiêu đơn giản mất chừng 1 triệu đồng mỗi tuần. Nếu tôi không phải là một doanh nhân, tôi sẽ sống rất ổn trên môi trường trực tuyến, mỗi tuần viết đôi ba bài báo, làm một hai cuộc đào tạo trực tuyến.

Mà ngay cả khi phải nuôi cả một công ty với cả trăm nhân lực, tôi cũng vẫn không đến nỗi quá căng thẳng trong mấy đợt lockdown vừa rồi. Ơn trời, nhờ chuyển dịch mạnh mẽ sang tư vấn chiến lược, cho dù có những tháng 100% công ty hoạt động online, tôi vẫn có khách hàng, mà là khách hàng lớn. Mảng xuất bản gần như về mo, nhưng tư vấn chiến lược truyền thông, marketing và thương hiệu cho tôi cơ hội sinh tồn tốt hơn nhiều agency khác.

Nhưng, tôi biết, một mình tôi sống sót không có ý nghĩa gì. Ngành marketing là một cái hàn thử biểu của nền kinh tế. Quý 3 vừa qua, chúng ta giảm phát -6,17%. Ngành dịch vụ mà công ty tôi là một thành phần giảm tới -9,28%. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 16,7%, doanh nghiệp giải thể tăng 5,9%, trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,6%, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 6,6%. Nếu quý 4 này không có một lực đẩy thật sự có ý nghĩa thì các bạn dự đoán tình hình kinh tế năm 2021 sẽ như thế nào?

Một khách hàng của tôi có nhà máy ở Ninh Bình, Hà Nam, liên tục phải đóng cửa truy vết, mỗi tháng chi hàng chục tỷ đồng chống dịch. Một khách hàng khác có chuỗi hàng trăm cửa hàng, trong thời điểm căng thẳng, gần như đóng cửa tuyệt đối, hàng bán online cũng không được ship. Có khách hàng làm resort, bỏ tiền vận hành, chăm sóc chỉ để phục vụ cho chính mình, làm gì có khách. Ngành hàng không thì đương nhiên điêu đứng tột cùng, không cần nói nữa.

VnExpress trích thống kê của Bộ Công an, nói rằng hiện có 3,5 triệu người ở các địa phương cả nước làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê. Những ngày qua, chúng ta chứng kiến làn sóng ồ ạt người lao động di cư từ những nơi từng là miền đất hứa của họ. Sau đại dịch, chúng ta sẽ thấy một sự biến động lớn trong phân bổ dân cư – chẳng biết thế sẽ là hay hay là dở. Nhiều người lao động nghèo nông thôn sẽ nhận ra rằng thà ở nhà làm ruộng, làm nông, rau cháo quẩn quanh còn hơn đánh liều tìm nguồn thu nhập từ các nhà máy trong thành phố. Các thành phố sẽ thiếu nhân lực lao động, chi phí tuyển dụng, đào tạo sẽ tăng lên, và sức cạnh tranh về lực lượng lao động trẻ và rẻ của chúng ta, lâu này là lợi thế, sẽ giảm sút.

Mấy hôm nay thiên hạ share tin fake về việc Nike và Adidas chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Chưa đâu, họ mới chỉ tìm kiếm nguồn sản xuất cho các lô hàng lẽ ra được sản xuất ở Việt Nam cho mùa Giáng sinh và Năm mới sắp tới. Nhưng đừng vội tự mãn, bởi chuỗi cung ứng của chúng ta mà phục hồi chậm thì chả có gì đảm bảo các thị trường “tạm” của họ không tận dụng lợi thế để cướp luôn miếng bánh của mình. Có anh bạn tôi nói nền kinh tế của chúng ta như cái đoàn tàu cũ kỹ, trót đóng băng, cấm chạy lâu rồi, muốn khởi động lại không phải dễ.

Hôm qua, Hải Phòng bảo là người Hà Nội xuống đấy sẽ phải cách ly 7 ngày. Hà Nội thì không cho chuyến bay nào bay đến Nội Bài. Và không biết còn địa phương nào đang cấm cửa những người anh em của mình nữa hay không. Chiều qua, tôi đến làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam. Thủ tục bao gồm quét QR Code để vào form đăng ký đến làm việc, quét QR Code bằng app PC-Covid để khai báo sức khoẻ, đeo khẩu trang, vào đến sảnh phải rửa tay sát khuẩn, rồi làm việc trong môi trường giãn cách, online… Sao người ta không làm thế cho người di chuyển liên tỉnh nhỉ, thậm chí còn làm “căng” hơn, như là xét nghiệm âm tính và chứng nhận tiêm vắc xin… để ít nhất thì cũng có một số người anh em được về nhà, được đến làm việc, và bắt đầu khởi động lại cỗ máy kinh tế đi?

Cũng hôm qua, tôi thấy trên tờ The Irish Times cái tin bà Thủ tướng New Zealand tuyên bố từ bỏ kế hoạch “zero Covid”. New Zealand là thành trì cuối cùng (ngoài Trung Quốc) kiên trì theo đuổi mục tiêu triệt tiêu hoàn toàn các ca lây nhiễm. Na-uy thì tuyên bố xếp loại Covid-19 không nguy hiểm hơn cúm thường. Việt Nam mình không nên chuyển sang thái cực coi thường Covid-19, nhưng đã đến lúc tìm cách thích ứng dần với sự tồn tại lâu dài của loại virus này. Mà phải hành động từ bây giờ, đừng chờ đến lúc muốn khởi động lại cũng không khởi động được nữa.

Mở cửa để làm gì?

Tôi hoàn toàn có thể hành động và phát ngôn y như cái cặp đôi sang chảnh trong bức biếm hoạ này. Nhưng tôi hiểu những người ở phía bên kia bức tường đang nghĩ gì.​

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lê Quốc Vinh

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

42 Yêu thích
10 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại