Mở cửa chính sách để hàng không cất cánh
Tiềm năng cho ngành hàng không Việt Nam còn rất lớn, tuy nhiên để thị trường hàng không phát triển mạnh hơn thì cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường thực sự mở”...
Thống kê quốc tế cho thấy có sự liên quan giữa tăng trưởng kinh tế và lĩnh vực hàng không. Cụ thể là cứ 1% tăng trưởng của ngành hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP.
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 - 15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8 - 7%/năm.
Sau sự phát triển là nhiều vấn đề phát sinh
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, có hai nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự phái triển của hàng không Việt Nam, đó là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân cải thiện. Đồng thời, Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này đã kéo hàng không tăng trưởng.
Thông tin về sự tăng trưởng của ngành hàng không thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo cho biết, giai đoạn từ 2008 - 2018, về số lượng tàu bay, tổng số tàu bay của hàng không Việt Nam đã tăng từ 60 lên 192 tàu bay.
Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways. Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng.
Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế, so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Đức Tú (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): “Sự phát triển nóng của hàng không có mặt tích cực và cả hệ lụy nhất định”.
Tích cực vì đây là cơ hội phát triển hàng không, phát triển kinh doanh vận tải hàng không. Nhưng tăng trưởng nhanh, khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay chưa theo kịp tốc độ của vận tải. Kế đó là vấn đề con người, có phương tiện nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Hàng không tăng trưởng bình quân 14 - 15%/năm, nhưng khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay chưa theo kịp tốc độ của vận tải. |
Giải pháp từ chính sách “mở”
Để giải quyết vấn đề của ngành hàng không, nhiều chuyên gia đã từng hiến kế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của chính sách.
TS. Trần Du Lịch từng khẳng định, chúng ta cần tạo ra khung pháp lý để cạnh tranh. Ông cũng khuyến nghị, Bộ Giao thông vận tải quản lý ngành hàng không cần rút kinh nghiệm, tránh tình trạng như Grab, Uber chạy rồi mà không biết quản lý ra sao.
Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cũng đánh giá cạnh tranh là nhân tố thúc đẩy ngành hàng không thời gian qua, nhưng ông cho rằng vẫn còn rất nhiều dư địa để tiếp tục phát triển.
“Nếu hiểu cạnh tranh chỉ ở khách hàng thì quá hẹp. Vận tải hàng hóa trong 5 năm qua của Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực ASEAN, 200 nghìn tấn lên 450 nghìn tấn/năm. Đó là lĩnh vực cực kỳ hấp dẫn mà ít người nói tới”, TS. Võ Trí Thành nói.
Trong một cuộc tọa đàm, Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho rằng cạnh tranh trên thị trường hàng không ở đây không chỉ giữa các hãng hàng không mà cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế.
Trên thực tế, xu hướng vốn đầu tư tư nhân đổ vào các dự án hạ tầng hàng không ngày càng rõ nét. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, các dự án nhà ga hàng không dễ dàng gọi vốn đầu tư do thời gian thu hồi vốn từ phí dịch vụ sân bay ngắn; nguồn thu từ việc cho thuê các quầy dịch vụ ăn uống, hàng miễn thuế ổn định.
Thị trường hàng không gần đây đã có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp tư nhân như Vietjet, Bamboo Airways.
Tất cả sẽ là những vấn đề nêu trên sẽ được các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các hãng hàng không, doanh nghiệp… cùng phân tích, mổ xẻ và gợi mở những giải pháp tại Tọa đàm: “Xây dựng môi trường phát triển lành mạnh cho ngành hàng không”, được tổ chức vào chiều nay, 13h30 - 17h ngày 16/5/2019 tại Tầng 7, Trung tâm Thương mại quốc tế VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận