Mở cửa bầu trời: Nhà đầu tư ngoại được nắm giữ dưới 30% vốn điều lệ của hãng hàng không
Ngay cả với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam chưa từng cam kết mở cửa dịch vụ vận tải hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài, kể cả vận tải hàng không trong nước và quốc tế. Nhưng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cánh cửa này đã được mở.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo: “Ngành phân phối, thương mại điện tử, logistics Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ hiệp định CPTPP”, diễn ra ngày 25-11.
Theo CPTPP, Việt Nam lần đầu tiên mở cửa hạn chế cho nhà đầu tư tham gia dịch vụ vận tải hàng không (cả quốc tế và nội địa).
“Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra cam kết mở cửa thị trường dịch vụ này cho nhà đầu tư nước ngoài”, theo báo cáo tại hội thảo.
Cụ thể, Việt Nam cam kết mở cửa cho đầu tư từ các nước CPTPP vào lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng không nhưng dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần của một hãng hàng không Việt Nam.
Đồng thời, thương vụ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: (1) tổng vốn góp/cổ phần nắm giữ của phía nước ngoài dưới 30% vốn điều lệ/cổ phần của hãng; (2) phần vốn/cổ phần lớn nhất của hãng phải thuộc về cá nhân hoặc pháp nhân Việt Nam (nhưng không bao gồm pháp nhân là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); (3) ít nhất ⅔ tổng số thành viên ban điều hành của hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải là người Việt Nam; (4) tổng giám đốc và đại diện hợp pháp của hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài thành lập ở Việt Nam phải là người Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là cam kết rất mở bởi trong cả WTO và EVFTA, Việt Nam chưa từng cam kết mở cửa dịch vụ vận tải hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài, kể cả vận tải hàng không trong nước và quốc tế.
Với việc cho phép đầu tư góp vốn, mua cổ phần của một hãng hàng không trong nước, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư CPTPP đầu tư vào các dịch vụ hàng không mà một hãng hàng không Việt Nam được phép thực hiện, tức bao gồm tất cả các hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hoá, bưu gửi bằng đường hàng không…
Tuy nhiên, nếu xét dịch vụ hàng không, không phải CPTPP là mở cửa nhất, theo bà Trang, bởi Việt Nam đã có cam kết mở cửa dịch vụ hàng không (hay còn gọi là mở cửa bầu trời) trong khuôn khổ ASEAN. Bên cạnh đó, EVFTA cam kết mở cửa hơn so với CPTPP ở khía cạnh dịch vụ mặt đất.
Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá cao với tốc độ tăng trưởng được dự báo duy trì ở mức 10% mỗi năm. Con số này cao gấp đôi so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới, không chỉ vận tải hành khách mà còn cả vận tải logistic. Hiệp hội Hàng không thế giới (IATA) đánh giá, Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
Hiện tại, có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Cát Bi, Đà Lạt).
Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 48 đường bay nội địa kết nối 22 cảng hàng không. Trong đó, Vietnam Airlines khai thác 33 đường bay, Vietjet Air khai thác 35 đường bay, Jetstar Pacific khai thác 23 đường bay, Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasco) khai thác 9 đường bay, Bamboo Airways khai thác 24 đường bay.
Bầu trời Việt Nam đang ngày càng trở nên chật chội khi nhiều thương hiệu mới đang “rục rịch" gia nhập thị trường. Gần đây nhất, Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) công bố hoàn tất phát hành 700 tỉ đồng trái phiếu để chuẩn bị vốn cho dự án hàng không đang được triển khai.
Trong khi đó, Vinpearl Air vẫn chưa có chi tiết về kế hoạch hoạt động, nhưng số vốn điều lệ đăng ký dự kiến là 1.300 tỉ đồng. Sự hồ hởi của nhà đầu tư trong nước cùng với cam kết mở cửa dịch vụ hàng không cho nhà đầu tư nước ngoài khiến nhiều người lo ngại về sự quá tải về cơ sở hạ tầng hàng không, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất.
Liên quan tới những lo ngại này, bà Trang cho rằng chỗ nào càng có nhu cầu lớn, càng thuận lợi cho việc phát triển ngành dịch vụ. Điều này mang lại lợi ích cho nền kinh tế và người tiêu dùng.
“Vấn đề không phải bầu trời chật, mà là mặt đất chật, cơ sở pháp lý chật, chưa tạo điều kiện cho dịch vụ hàng không thực sự cất cánh như tiềm năng”, bà Trang nói và lấy ví dụ: để được cấp phép, các hãng bay phải có đủ điều kiện về hạ tầng, có sân bay đủ chỗ và đủ tiêu chuẩn.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện không còn đủ khả năng để tiếp nhận nên các hãng bay sẽ phải đặt cơ sở ở sân bay các tỉnh khác. Do đó, vấn đề ở đây là cơ sở hạ tầng và cơ chế chưa phát triển kịp với tốc độ tăng trưởng của ngành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận