“Mở cửa bầu trời” cho ngành hàng không
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á với 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Tuy nhiên để đáp ứng với tốc độ tăng
Nhu cầu thị trường tăng mạnh
Theo thống kê quốc tế, cứ 1% tăng trưởng của hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP. Trong một thập kỷ trở lại đây, Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn châu Á. Điều này thể hiện nhu cầu của vận tải hàng không rất cao của thị trường nội địa Việt Nam cũng như nhu cầu từ thị trường quốc tế đến Việt Nam.
Mặt khác, hiện nay Việt Nam đang chuyển dần nền kinh tế sản xuất công nghiệp sang sản xuất hàng hóa công nghệ cao, đó là những sản phẩm có nhu cầu vận chuyển hàng không rất lớn.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm “Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, thị trường hàng không trong nước đã có sự "sang trang". Từ một loại phương tiện giao thông chỉ dành cho giới doanh nhân hay những người dân có thu nhập cao, hiện nay, hàng không đã trở nên thông dụng, cơ hội đi máy bay mở cửa với tất cả người dân.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới. Với nhu cầu lớn như vậy, sự ra đời của các hãng bay tư nhân là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người dân trong việc lựa chọn các phương tiện đi lại.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, những năm gần đây, tăng trưởng hàng không lại phải đối mặt với nhiều thách thức như quá tải về hạ tầng sân bay bến đỗ, an ninh trên các chuyến bay. Trong đó, sự gia nhập của các hãng hàng không quy mô mới có thể tạo ra sự cạnh tranh “phi quy luật”.
Việt Nam là thành viên của cộng đồng kinh tế chung ASEAN, các quốc gia trong khu vực sẽ trở thành thị trường chung, hàng hóa vận chuyển tự do và hội nhập toàn cầu. Đây là cơ hội cho một “bầu trời mở”. Nhưng thử thách của Việt Nam là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ vận tải hàng không và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ông Lộc cho rằng, dư địa của ngành hàng không Việt Nam còn rất lớn, cần nhìn nhận rõ vị trí, vai trò trong nền kinh tế để thúc đẩy ngành hàng không phát triển mạnh mẽ, bền vững, đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế của đất nước và trở thành động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển.
Gỡ “nút thắt”
Tầm nhìn phát triển giai đoạn 2020 định hướng 2030 của ngành hàng không có định hướng: thị trường hàng không Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng. Để thị trường hàng không phát triển thì trước tiên phải mở cửa tư duy. Cùng với đó là chính sách, tạo áp lực cạnh tranh để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong thị trường hàng không.
Điều kiện quan trọng nhất để Việt Nam phát triển hàng không là cơ sở vật chất, bao gồm hệ thống cảng, hệ thống tàu bay và kiểm soát không lưu. Trong đó, sân bay trung chuyển là yếu tố quan trọng để mở rộng vị thế ngành vận tải hàng không của Việt Nam. Nếu có những chính sách phát triển đầu tư các sân bay có tầm cỡ để trở thành sân bay trung chuyển cho hàng không của khu vực thì ngành hàng không Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: “Cần tạo ra một hành lang pháp lý đủ rộng để các doanh nghiệp có thể bình đẳng cạnh tranh. Bởi điều hay nhất của thị trường vận tải hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh”.
Trong thời kỳ mở cửa, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng đường lối, chính sách, còn lại làm sao tạo môi trường Nhà nước và tư nhân bình đẳng với nhau. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, các hãng cạnh tranh để cùng phát triển, không phải cạnh tranh để chiến thắng đối thủ hay làm cho đối thủ yếu đi. Sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không còn mang lại lợi ích lớn cho khách hàng, giúp nhiều người dân có cơ hội đi máy bay giá rẻ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội – Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội khẳng định, nhu cầu phát triển của ngành hàng không trong thời gian tới là tất yếu, mặc dù còn nhiều thách thức. Vì vậy, để duy trì được sự phát triển bền vững của ngành, trước hết là cần một thể chế đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, tạo sự thông thoáng; “sân chơi” hay và trong đó luật chơi phải tiếp cận quốc tế, phù hợp với quy hoạch chung. Ví dụ, quy hoạch vùng trời, đường bay…
Bên cạnh đó, để phát triển toàn diện ngành hàng không, không chỉ đơn thuần chú trọng vào cơ sở hạ tầng mà nó còn là văn hoá hàng không, đội ngũ bay… Cần sự đối xử bình đẳng từ nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh tình trạng doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Phải phân biệt giữa kinh doanh và phục vụ. Chú ý đến an toàn và an ninh quốc gia, làm thế nào tách sân bay quân sự và dân sự.
"Điều quan trọng, trong mọi tình huống việc xây dựng môi trường văn hoá trong thị trường hàng không là rất qua trọng, đây là bộ mặt quốc gia, thương hiệu quốc gia về phát triển kinh tế” - ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận