24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Anh Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mở cho tư nhân mua bán nợ 8 triệu tỉ đồng

Muốn thu hút được tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền vào thị trường nợ lên tới 8 triệu tỉ đồng, theo các chuyên gia, Chính phủ phải tạo ra sân chơi với luật lệ rõ ràng, thay vì tù mù, đầy rào cản pháp lý.

Nợ xấu chưa đẹp

Sau 8 năm tiến hành “đại phẫu cục máu đông nợ xấu”, đến nay theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành được kéo xuống còn 1,98% tổng dư nợ. Nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện là 4,84%.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết thêm, từ năm 2012 đến cuối tháng 8.2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 968.890 tỉ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629.200 tỉ đồng, chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý, còn lại là bán nợ (bao gồm bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 35,06%.

Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu ra đời, lũy kế từ 15.8.2017 đến cuối tháng 8.2019, có thêm 236.800 tỉ đồng nợ xấu được giải quyết, không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt, tương đương 24% tổng số xử lý trong 7 năm qua. Như vậy, với tỷ lệ 4,84% kể trên, quy mô nợ xấu còn lại cần xử lý đến cuối tháng 8.2019 còn khoảng 368.300 tỉ đồng.

Tuy nhiên, số nợ xấu đã được dọn dẹp mới chỉ “đẹp” trên sổ sách của các nhà băng, còn nếu bóc tách kỹ thì vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn. Kể từ sau khi VAMC ra đời, nợ xấu của hệ thống TCTD công bố thường phải bao gồm nợ ngoại bảng đã bán cho VAMC. Ngoài ra, nếu tính luôn nợ đã được các NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Quyết định 780 và Thông tư 09/2014/TT-NHNN có khả năng chuyển thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của các NH VN luôn cao hơn con số tỷ lệ nợ xấu nội bảng công bố định kỳ của NHNN.

Đáng nói, do thiếu thị trường mua bán nợ tập trung nên VAMC mới chỉ tạm giải quyết được đầu mua, tức “nhốt” nợ vào kho, việc xử lý ở đầu bán còn rất vướng mắc. Đó là chưa kể với các TCTD yếu kém, thuộc diện tái cơ cấu hoặc vẫn chưa chuyển đúng nhóm nợ hoặc được phép chuyển nhóm và thoái thu lãi, trích lập dự phòng dần trong khoảng thời gian 5 - 10 năm theo đề án tái cơ cấu. Điều này nhằm tránh việc một khoản vay của khách hàng nếu bị một nhà băng chuyển nhóm trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) thì các khoản vay còn lại đang ở những TCTD khác cũng bị chuyển lên nhóm cao nhất theo quy định, có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu toàn ngành lên cao hơn.

“Chợ” mua bán nợ èo uột, thiếu luật chơi

Trao đổi với Thanh Niên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư VN (BIDV), cho biết hiện việc mua bán nợ xấu đang được thực hiện vòng vo trên mấy chủ thể là VAMC, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) của Bộ Tài chính, các công ty mua bán nợ của ngân hàng (AMC). Trong đó, các công ty AMC và NH chỉ chú trọng xử lý nợ của bản thân và chưa tham gia mua bán với các tổ chức khác.

Việc thiếu vắng khối tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Lực do Nghị quyết 42 mới chỉ là thí điểm và tập trung vào nợ xấu, không bao gồm các khoản nợ khác. “Tổng dư nợ toàn nền kinh tế 8 triệu tỉ đồng, nhưng từ trước đến nay việc mua bán nợ chỉ loanh quanh mấy NH và VAMC. Phải mở cửa cho tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra một thị trường mua bán nợ thực sự mới giải quyết được căn cơ nợ xấu, cũng như khơi thông dòng vốn tín dụng”, ông Lực đề nghị.

Chuyên gia này đề xuất thêm, Bộ Tài chính phải ban hành được nghị định về thị trường mua bán nợ, trong đó có “đầu mối” đứng ra tổ chức như một sân chơi minh bạch, đầy đủ thông tin, cơ chế mua - bán, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản: “Hàng hóa được giao dịch có thể bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, nợ doanh nghiệp tại ngân hàng gồm cả nợ tốt và nợ xấu. Nợ cá nhân như thẻ tín dụng, khoản vay cho vay mua nhà, ô tô... cũng có thể đưa lên thị trường mua bán nợ với điều kiện gom lại thành một gói. Điều quan trọng nữa là các khoản nợ phải được minh bạch để người mua, người bán có đủ thông tin giao dịch”.

Nói về đề xuất này, chiều 17.11 một lãnh đạo NHNN cho biết cũng đang mong muốn mở cửa thị trường nợ xấu, thu hút thêm nguồn lực từ tư nhân và đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Tuy nhiên vướng nhất hiện nay nằm ở cơ chế xác lập tài sản sở hữu, xử lý các tài sản đảm bảo.

Thực tế Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa công bố, chỉ số đăng ký tài sản (1 trong 10 chỉ số đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam) mới xếp thứ 60/140 quốc gia.

Theo khảo sát của WB, để đăng ký được tài sản ở Việt Nam, cá nhân và tổ chức phải trải qua 5 thủ tục, với 53,5 ngày làm việc. Trong đó có những thủ tục thời gian thực hiện rất dài, chẳng hạn đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thời gian thực hiện 21 ngày.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả