Mirae Asset khuyến nghị gì cho các ngành hot trong năm 2024?
Nhờ lãi suất cho vay giảm và các chính sách hỗ trợ, kỳ vọng đầu tư, sản xuất và tiêu dùng sẽ phục hồi hơn nữa. Từ đó, EPS ở hầu hết các ngành dự kiến sẽ tăng trong năm 2024.
Tại báo cáo phân tích triển vọng năm 2024, Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng P/E của thị trường sẽ tăng lên từ mức 15x hiện tại lên mức trung bình lịch sử là 16−17x. Tại đó, mức định giá của Việt Nam sẽ ngang bằng với trung vị các thị trường chứng khoán khác trên thế giới.
Nhờ lãi suất cho vay giảm và các chính sách hỗ trợ, Mirae Asset kỳ vọng đầu tư, sản xuất và tiêu dùng sẽ phục hồi hơn nữa. Từ đó, tăng trưởng EPS ở hầu hết các ngành dự kiến sẽ tăng vào năm 2024, so với mức kỳ vọng giảm 4% so cùng kỳ trong năm 2023.
Do đó, Mirae Asset đưa ra danh mục khuyến nghị cho các ngành như ngân hàng, dầu khí, bất động sản thương mại, bất động sản dân dụng, xây dựng, thép, dược phẩm, dệt may, hàng không, công nghệ thông tin và cảng biển.
Ngân hàng: Mirae Asset phân loại quan điểm đầu tư dựa trên hai khía cạnh rủi ro và lợi nhuận phục hồi. Trên cơ sở rủi ro thấp, Mirae Asset ưu tiên các ngân hàng có khả năng duy trì chất lượng tài sản vượt trội, như các ngân hàng thương mại nhà nước hay nhóm tư nhân, bao gồm ACB, TCB, và MBB.
Trong nhóm tư nhân, TCB và MBB được cho là có triển vọng tăng giá cao hơn khi đang bị chiết khấu nhiều hơn do tỷ trọng nắm giữ TPDN và cho vay BĐS trong danh mục tín dụng tương đối lớn. Lo ngại về những yếu tố này hiện đã được giảm bớt ở một mức độ nhất định.
Về lợi nhuận, Mirae Asset kỳ vọng một vài ngân hàng sẽ có tăng trưởng vượt trội về lợi nhuận trong năm 2024 bao gồm HDB và VPB.
Dầu khí: Sản lượng khai thác dầu cao kỷ lục của Mỹ làm giảm dần tác động từ việc cắt giảm sản lượng OPEC+ và giảm bớt những lo ngại về tình trạng thiếu hụt ngắn hạn trước những biến số địa chính trị. Với các yếu tố nêu trên, chúng tôi cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục neo ở mức 80 USD/thùng trong phần lớn thời gian của năm 2024 (-2,8% cùng kỳ). Các mỏ khí Việt Nam đang trong tình trạng sụt giảm sản lượng trung bình 0,5 triệu m3 mỗi năm (chiếm 6,6% sản lượng khí ẩm về bờ ước tính 2023).
Việc nhập khẩu LNG cùng với hai dự án phát triển trọng điểm ở thượng nguồn (Lô B Ô Môn và Sư Tử Trắng 2B) sẽ là nguồn bổ sung chính trong thời gian tới. Dù đã nhập khẩu thành công LNG từ T8/2023, nhưng do thiếu cơ chế giá nên nguồn khí này vẫn chưa thể tiếp cận được với thị trường tiêu dùng. Theo PVGAS, công ty đã đề xuất cơ chế giá LNG lên Bộ Công Thương vào T12/2023 và dự kiến Bộ sẽ trình Thủ tướng trong nửa đầu 2024.
Bất động sản thương mại: Thị trường Hà Nội và TP HCM với lực cầu ổn định và nguồn cung hạn chế, tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho ngành bán lẻ. Trong 2024-2025, thị trường kỳ vọng sẽ đón nhận thêm khoảng 218 nghìn m2 sàn tại Hà Nội và khoảng 96 nghìn m2 sàn tại TP HCM.
Tính đến T6/2023, diện tích sàn thương mại trên đầu người tại Hà Nội (0,14 m2) và TP HCM (0,12 m2) nằm ở mức thấp nhất so với các thành phố khác trong khu vực, như Kuala Lumpua (0,35 m2), Manila (0,52 m2), Bangkok (0,92 m2). Xu hướng xây và cho thuê TTTM cũng lan ra các khu rìa trung tâm và các tỉnh. Trong miền Nam và miền Trung, Central Retail mở thêm hệ thống siêu thị tại Đồng Nai, Quảng Nam; Aeon khai trương mô hình mới tại Bình Dương, và Thiso mở Emart thứ 3 tại Gò Vấp.
Bất động sản dân dụng: Trong 2023, các công ty bất động sản đã tích cực mua lại trái phiếu trước hạn, và giảm dần nợ vay. Động thái trên giúp nhiều doanh nghiệp giảm áp lực tài chính cho các năm sau, tuy nhiên bên cạnh đó các công ty cũng gặp nhiều khó khăn khi tâm lý thị trường đi xuống ảnh hưởng đến khả năng bán hàng cũng như ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.
Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ, cho phép giữ nguyên nhóm nợ cũng đang được NHNN xem xét kéo dài thời gian để gỡ khó cho cả ngân hàng và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy và tiếp cận nguồn vốn.
Xây dựng: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 6–6,5% cho năm 2024. Theo đó, ngành xây dựng dự kiến sẽ có mức tăng trưởng vượt trội hơn với tốc độ kỳ vọng 8–10% vào năm 2024. Với tất cả các công trình đang được thực hiện, Mirae Asset kỳ vọng chi tiêu của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra tác động lớn và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế trong 3–5 năm tiếp theo. Dưới tác động từ đợt tăng giá mạnh kéo dài kể từ đầu 2023, hệ số P/E vẫn ở mức cao đối với hầu hết các công ty nằm trong danh sách theo dõi của chúng tôi. Mặt khác, tỷ lệ P/B có giá trị hợp lý hơn, ở gần mức trung bình 5 năm.
Thép: Cho triển vọng ngành thép Việt Nam giai đoạn 2024 – 2025, chúng tôi đưa ra nhận định Tích Cực dựa trên các luận điểm: (1) Việt Nam tiếp tục hưởng lợi ở các thị trường mà Nga và Ukraine bị giảm sản lượng, đặc biệt là châu Âu, (2) giảm áp lực cạnh tranh khi các công ty thép lớn trên thế giới ngưng mở rộng các dòng thép cơ bản như thép vằn hay thép hộp, (3) đầu tư công duy trì tăng trưởng, và (4) thị trường bất động sản nội địa kỳ vọng ấm dần.
Mirae Asset dự phóng tổng sản lượng bán hàng của ngành thép năm 2023F / 2024F / 2025F lần lượt đạt 26 triệu tấn (-4,4% cùng kỳ) / 27,95 triệu tấn (+7,1% cùng kỳ) / 29,9 triệu tấn (+7% cùng kỳ). Trong đó, thị trường xuất khẩu ước đạt 7,91 triệu tấn (+26% cùng kỳ) trong năm 2023 nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng thép HRC, và duy trì tăng trưởng 12% trong 2024.
Dược phẩm: Từ đầu 2023, các văn bản pháp lý mới giúp khơi thông những khó khăn, bao gồm Nghị quyết 80/2023/QH15, Nghị định 07/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 30/NQ-CP, Thông tư 06/2023/TT-BYT. Quyết định số 1165/QĐ-TTg ban hành T10/2023 đặt mục tiêu sẽ tự chủ các dòng thuốc generics nội địa, hạn chế nhập khẩu thuốc từ nước ngoài.
Trước sự thay đổi lớn về bệnh tật và mức gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, dự phóng ngành dược phẩm sẽ tiếp tục duy trì CAGR 6% giai đoạn 2023 – 2028. Trong đó, kênh ETC dự kiến tăng trưởng mạnh hơn OTC nhờ sự bao phủ bảo hiểm toàn dân đã đạt 93%.
Dệt may: Mặc dù phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh bất ổn quốc tế, ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng cải thiện khi tốc độ giảm đang dần thu hẹp, đặc biệt là ở mảng sợi. Theo WB, dự báo GDP thực tế năm 2023 của các thị trường trọng điểm của Việt Nam duy trì tăng trưởng: Mỹ (+1,1%); EU (+0,4%); Nhật Bản (+0,8%); và Trung Quốc (+5,6%). Sự tăng trưởng này sẽ dẫn đến khả năng phục hồi về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng.
Vào cuối Q3/2023, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán của các thương hiệu chính như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma vẫn ở mức thấp, trong khi doanh số bán hàng có dấu hiệu tăng trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ sắp tới. Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng kỳ vọng dẫn dắt số lượng đơn đặt hàng quay trở lại trong năm 2024.
Hàng không: Chính sách visa thông thoáng tạo điều kiện cho du lịch quốc tế phát triển. Luật số 23/2023/QH15 sửa đổi một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 cho phép kéo dài thời gian Visa từ 30 ngày lên 90 ngày, đồng thời cho phép nâng hiệu lực tạm trú đối với các nước Việt Nam đơn phương miễn Visa từ 15 ngày lên 45 ngày.
Bên cạnh đó, sau giai đoạn biến động do chiến tranh giữa Nga và Ukraine, giá nguyên liệu bay cũng đã giảm mạnh và điều chỉnh về mức US$105/bbl (-24% cùng kỳ). Mirae Asset dự phóng lượng khách quốc tế bay qua các cảng hàng không Việt Nam giai đoạn 2023 / 2024 / 2025 lần lượt đạt 34,2 triệu lượt (+185% cùng kỳ) / 42,1 triệu lượt (+23% cùng kỳ) / 50,9 triệu lượt (+21% cùng kỳ).
Công nghệ thông tin: Ngành CNTT đang chuẩn bị cho một bước tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi: 1) Tăng trưởng trong nước: nhu cầu số hóa cả doanh nghiệp tư nhân và lĩnh vực công, 2) Xuất khẩu phần mềm: Việt Nam càng ngày khẳng định vai trò trung tâm cung ứng dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) về CNTT giữa xu hướng chuyển đổi số toàn cầu, và 3) Sản xuất chip: cơ hội mới được khai thông trong lĩnh vực sản xuất chip.
Kinh tế số Việt Nam dự kiến tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, với tỷ lệ tăng trưởng tổng khối lượng hàng hóa (GMV) bình quân 31% trong giai đoạn 2022-2025 và 19% trong giai đoạn 2025-2030, trong đó cloud computing và dịch vụ CNTT sẽ đóng vai trò quan trọng. Quyết định số 749/QD-TTg, phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đến năm 2025 với tầm nhìn đến năm 2030, đưa ra hai mục tiêu trọng yếu: (1) đưa Việt Nam vào danh sách 50 quốc gia hàng đầu thế giới về Chỉ số Phát triển Chính phủ Điện tử của Liên Hợp Quốc (E-GDI), và (2) đảm bảo nền kinh tế số chiếm 30% GDP của đất nước vào năm 2030.
Cảng biển: The Alliance công bố kế hoạch tạm ngưng hai tuyến đường Đông Tây trọng điểm để ngăn chặn sự suy giảm về giá. Trong bối cảnh nhu cầu yếu, Mirae Asset cho rằng các công ty lớn sẽ có thêm hành động để giảm nguồn cung đến giữa năm 2024, điều này sẽ giúp giá vận chuyển phục hồi và hỗ trợ các công ty có doanh thu chủ yếu đến từ vận chuyển.
Bên cạnh đó, ngành cảng biển và logistics của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ, khi Mỹ là khách hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận