Miền Trung: Phát hiện 33.816 vụ vi phạm gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái
Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 10 tháng năm 2019, 9 tỉnh, thành phố miền Trung đã phát hiện 33.816 vụ vi phạm gian lận thương mại, hàng giả hàng nhái với 29.684 đối tượng vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2.180 tỷ
Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - nhận định, trong 10 tháng năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi diễn biến phức tạp.
Tại từng thời điểm ở một số địa bàn trọng điểm, nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã, nguy cấp, quí hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ, các sản phẩm từ gỗ; kinh doanh các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh; buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu; sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; buôn lậu, vận chuyển trái phép than, khoáng sản; buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá, xì gà, rượu, bia, đường cát, hàng điện tử, hàng gia dụng, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bẩn...
Qua theo dõi của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, những phương thức vận chuyển ma túy trên địa bàn với số lượng không nhỏ, bên cạnh đó là những hình thức vận chuyển, buôn lậu hàng hóa trái phép qua biên giới. Các đối tượng thường lợi dụng địa hình rừng núi, đường mòn, sông suối và mối quan hệ thân tộc của cư dân hai bên biên giới để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, chuyển cảng qua lãnh thổ Việt Nam đi các nước có chung đường biên giới sau đó vận chuyển thẩm lậu hàng hóa qua biên giới trở lại Việt Nam.
Ngoài ra, trên tuyến đường biển, diễn ra hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa như xăng dầu, than, quặng, khoáng sản, thuốc lá, rượu, động vật hoang dã nguy cấp, quí hiếm, hàng điện tử, hàng gia dụng... qua các cửa khẩu, cảng biển và các vùng biển các tỉnh, thành phố miền Trung.
Còn tại các địa bàn nội địa, đối tượng lợi dụng các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường sắt, các cảng hàng không trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố miền Trung để vận chuyển hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ; Lợi dụng hạn chế hiểu biết của nhân dân để sản xuất, quảng cáo, buôn bán xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bẩn, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và các loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu không rõ nguồn gốc hoặc gia công, pha trộn, nhái, dán bao bì, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng… đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.
Thống kê của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, 10 tháng đầu năm 2019, 9 tỉnh, thành phố miền Trung đã phát hiện 33.816 vụ vi phạm gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái với 29.684 đối tượng vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2.180 tỷ đồng. Xử lý hình sự 1.429 vụ, 1.833 đối tượng, trị giá tang vật tịch thu chưa thanh lý ước tính 800 triệu đồng.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - Đàm Thanh Thế - cho rằng, trong thời gian tới, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các địa bàn trọng điểm khu vực miền Trung sẽ có những diễn biến phức tạp, gây tác động xấu đến tình hình kinh tế xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe người dân.
Vì vậy, để chủ động kiểm soát tình hình, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị Ban chỉ đạo 389 các tỉnh tập trung triển khai một số nội dung:
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, sản phẩm động vật hoang dã, quý hiếm.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm, hàng vi phạm; hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam…
Tiếp tục rà soát, tổng hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung qui định của pháp luật trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa hợp lý, chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất.
Chủ động phối hợp các lực lượng, các địa phương trong công tác trao đổi thông tin, nắm tình hình, để điều tra, xác minh, kịp thời ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm.
Xây dựng và triển khai có hiệu quả Kế hoạch cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý - 2020.
Trong đó, đồng chí Đàm Thanh Thế nhấn mạnh, các đơn vị lực lượng chức năng cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; phát động phong trào quần chúng nhân dân, phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận