Miền Trung có thể được chia thành hai tiểu vùng
Chính phủ đề xuất giữ nguyên không gian phát triển đất nước theo 6 vùng kinh tế - xã hội, chia Trung du miền núi phía Bắc và miền Trung thành hai tiểu vùng.
Ngày 25/10, Chính phủ thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội xem xét.
Sáu vùng kinh tế - xã hội Chính phủ đề xuất giữ nguyên gồm: Trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh), đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành), Tây Nguyên (5 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành) và đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành).
Trung du và miền núi phía Bắc dự kiến chia thành hai tiểu vùng là Đông Bắc và Tây Bắc; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chia thành Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phương án phân cả nước thành 6 vùng được kế thừa qua nhiều giai đoạn, là cơ sở cho việc xây dựng chính sách phát triển, quy hoạch vùng 20 năm qua. Các địa phương trong mỗi vùng cơ bản có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, dân cư; có mối liên hệ khá chặt chẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, việc phân vùng như hiện nay còn có mặt chưa phù hợp, như khoảng cách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung quá dài. Phương án chia thành hai tiểu vùng nhằm khắc phục vấn đề trên.
Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030, cả nước phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân đạt 7%/năm, trong đó hai vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8-8,5%/năm. Năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD.
Hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam sẽ hình thành, gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và TP HCM, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - TP HCM - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.
Ước tính quy mô dân số Việt Nam đến năm 2030 đạt 105 triệu; tuổi thọ bình quân 75; thời gian sống khỏe mạnh tối thiểu 68 năm. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại thành phố đạt 32 m2. Việt Nam sẽ vào nhóm 10 nước có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á; chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Trung bình 10.000 dân sẽ có 260 sinh viên đại học; 35 giường bệnh; 19 bác sĩ.
Theo quy hoạch trình Quốc hội, có bốn nhiệm vụ trọng tâm và đột phá để phát triển quốc gia, gồm: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số...; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng; hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận