Miền Bắc tiếp tục là “rốn” hút FDI, bất động sản công nghiệp hưởng lợi
Cushman & Wakefield cho hay, phía Bắc đang cho thấy những tín hiệu rất khả quan trong thu hút vốn FDI, điều này đến từ bối cảnh kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ.
Theo Cushman & Wakefield, trong top 10 địa phương dẫn đầu thu hút vốn FDI quý I/2024, Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm tiếp tục góp mặt. Khu vực phía Bắc tiếp tục chứng kiến một số dự án đầu tư lớn như: Thermal Power Plant (tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, tại Thái Bình), Jinko Solar Hải Hà (tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, tại Quảng Ninh), LG Innotek Việt Nam, bổ sung thêm 1 tỷ USD cho dự án ở Hải Phòng, Amkor Technology với dự án 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh.
Cushman & Wakefield cho biết, miền Bắc vẫn đang tiếp tục duy trì vị thế là cánh tay nối dài của công xưởng thế giới. Với sự hỗ trợ của hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng và phát triển dọc hành lang từ Đông sang Tây. Tổng nguồn cung đất công nghiệp phía Bắc đến quý I/2024 đạt khoảng 14.600 ha, từ 71 dự án. Trong 10 năm tới, dự kiến thị trường sẽ có thêm 69 dự án mới, đưa nguồn cung lên ít nhất ở mức 30.000 ha.
Theo Cushman & Wakefield, thị trường đang cho thấy hai xu hướng rõ rệt. Thứ nhất, hoạt động sản xuất hàng hoá cơ bản tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng mở rộng đầu tư, từ các nhà sản xuất lớn. Thứ hai, ngành sản xuất miền Bắc đang tiến lên chuỗi giá trị cao hơn sau khi đón nhận lượng đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực bán dẫn, điện tử và công nghệ cao.
Với thị trường nhà kho, nhà xưởng xây sẵn, theo Cushman & Wakefield, dù chỉ mới phát triển từ năm 2018, nhưng tốc độ tăng trưởng lại rất nhanh chóng. Đến quý I/2024, tổng nguồn cung toàn miền Bắc đạt khoảng 6 triệu m2 và dự báo sẽ tăng lên 17 triệu m2 trong thập kỷ tới.
Mặc dù nguồn cung đã kép tỷ lệ trống tăng, nhưng nhu cầu chung của thị trường vẫn tương đối mạnh. Các công ty hậu cần vận hành kho hàng hàng đầu ở miền Bắc đã bắt đầu khám phá sâu hơn về ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và nền tảng tích hợp, giúp cải thiện hiệu quả khâu phân phối.
Một chuyển biến khá rõ nét khác đó là miền Bắc đang có ngày càng nhiều các khu công nghiệp xanh và số lượng các dự án xanh tiếp tục tăng trưởng. Việt Nam đang có khoảng 150 dự án nhận được chứng chỉ LEED, trong đó, 67% là các dự án bất động sản công nghiệp, chủ yếu ở mô hình nhà kho, nhà xưởng xây sẵn và nhà máy sản xuất.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho biết, thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã trở nên hấp dẫn và sẵn sàng tăng tốc đón dòng vốn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo của chu kỳ phát triển. Sự tăng trưởng của miền Bắc là do khả năng tiếp cận tuyệt vời thông qua mạng lưới hạ tầng của 7 tuyến đường cao tốc, và tiếp tục triển khai hệ thống gồm 7 tuyến đường vành đai. Phía Bắc cũng thuận lợi để đón nhận làn sóng mở rộng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn, như một phần trong chiến lược Trung Quốc +1”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận