menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Anh

Mía đường vỡ trận định hướng quy hoạch

Các doanh nghiệp mía đường cả nước hiện còn tồn kho khoảng 650 nghìn tấn đường. Đây là mức tồn kho cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo Đề án Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến năm 2020, diện tích sản xuất mía sẽ ổn định 300.000 ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn và sản lượng đường là 2 triệu tấn (trong đó 1,3 triệu tấn đường tinh luyện, 0,7 triệu tấn đường trắng và đường khác). Và thực tế là sản xuất mía đường niên vụ 2018 – 2019 cho sản lượng mía khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn. Đến niên vụ mía đường 2019 - 2020, sản lượng này sẽ còn tiếp tục giảm, với diện tích mía giảm xuống còn 220.000 ha, sản lượng mía còn khoảng 13 triệu tấn và sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn…

Đây chính là nỗi lo lớn của doanh nghiệp ngành mía đường hiện tại. Các khó khăn liên miên trong những năm qua đã khiến ngành mía đường gần như teo tóp và thụt lùi so với mục tiêu phát triển đã đề ra.

Phía doanh nghiệp, thời gian qua đã không ngừng đầu tư trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại, song cùng với việc đường tồn kho là thiếu nguyên liệu sản xuất (do tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm từ 30% - 60%), các nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng.Ông Nguyễn Văn Lộc, Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ mía đường 2018 – 2019 là đỉnh cao khó khăn của ngành mía đường (cả nhà nông và doanh nghiệp). Đối với người trồng mía tại một số tỉnh ĐBSCL (Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ…) trung bình chi phí đầu tư cho 1 công đất (1.000m2) trồng mía vào khoảng 7 triệu đồng, nhưng cuối vụ chỉ thu được từ 3 – 4 triệu đồng, lỗ rất nhiều cả công và vốn, vì vậy nhiều hộ nông dân không muốn tái vụ, chuyển đổi sang trồng loại cây khác, dẫn đến việc giảm diện tích trồng mía cho niên vụ 2019 – 2020.

Các doanh nghiệp mía đường cả nước hiện còn tồn kho khoảng 650 nghìn tấn đường. Đây là mức tồn kho cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Và đã có quá nửa doanh nghiệp (17/30 doanh nghiệp) sản xuất đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Điều đáng lo nhất là nhiều nhà máy sẽ đóng cửa, ngừng sản xuất đối mặt với nguy cơ phá sản.

Khó khăn nội tại đã nhiều, nhưng áp lực khách quan càng không nhỏ. Đó là lộ trình cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đến ngày 1/1/2020 mặt hàng đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu và có thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Trong khi hiện tại, số lượng đường nhập lậu qua biên giới từ Lào, Campuchia khoảng 600 nghìn – 700 nghìn tấn/năm đã khiến ngành mía đường nội tồn kho cao ngất, nhiều nhà máy đóng cửa.

Ngoài ra, còn tính đến việc các doanh nghiệp nhập khẩu đường theo quy trình tạm, nhập tái xuất, nhưng sau đó không tái xuất cũng không phải số lượng ít. Cụ thể từ đầu năm đến nay, sản lượng đường thô nhập khẩu của các doanh nghiệp đã lên đến 440 nghìn tấn (cùng kỳ năm 2018 là 78.292 tấn). Con số này cộng với việc đến 2020 đường giảm thuế, giá rẻ tiếp tục tràn vào thị trường Việt, thì ngành mía đường trong nước xem như mất cơ hội phát triển đúng định hướng. Con số mục tiêu phát triển ngành mía đường đến năm 2030 có diện tích sản xuất mía ổn định 300.000 ha, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn xem như chỉ nằm trên… giấy.

Theo VSSA trong 10 năm trở lại đây, ngành mía đường đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng trang bị máy móc công nghệ, nhằm đón đầu hội nhập. Đến nay, hầu hết các nhà máy đường trong nước đều có nền tảng công nghệ, kỹ thuật tự động và đạt tầm quốc tế. Vì vậy, lợi thế so sánh với các nước sản xuất đường trong khu vực là không thua kém, thậm chí giá đường ra thị trường còn có lợi thế rẻ hơn.

Nhiều doanh nghiệp Việt có nguồn lực lớn đã đầu tư trồng mía sản xuất đường ra các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia… cho thấy, năng lực của doanh nghiệp trong ngành không hề yếu kém. Vấn đề còn lại là các nước có ngành mía đường được đánh giá cao hơn Việt Nam (trong khu vực) như Thái Lan, thì doanh nghiệp hay nhà nông vẫn còn được bảo hộ sản xuất, nên Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại