Metro số 1: Quyết không lùi đích
Gần 15 năm chật vật trải qua bao gian truân, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang chạy nước rút ở những chặng cuối cùng.
Khó khăn, trở ngại vẫn còn phía trước nhưng cả TP.HCM đang dồn lực quyết đưa tàu metro lăn bánh theo đúng kế hoạch vào cuối năm nay.
Dính nạn ngay “phút 89”
Sau 14 năm “đoạn trường”, năm 2020 vừa qua, TP.HCM liên tục ghi nhận những cột mốc đáng nhớ về tiến độ của tuyến metro số 1. Ngay đầu năm, tháng 2, dự án chính thức thông tuyến từ nhà ga Bến Thành đến depot Long Bình (Suối Tiên). Hai tháng sau, Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR) đã hoàn trả toàn bộ không gian, mặt bằng phía trước Nhà hát Thành phố (đoạn từ đường Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ) và hoàn thiện cơ bản thi công tầng B1, ga Nhà hát Thành phố. Tháng 8, Ban phối hợp liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco6 (SCC) tổ chức triển khai thi công hạng mục kết nối với các nhà ga trên cao tại ga Khu công nghệ cao, chính thức bắt đầu giai đoạn triển khai đồng bộ kết nối các nhà ga với những loại hình giao thông khác xung quanh nhà ga. Đặc biệt, sáng 8.10.2020, đoàn tàu đầu tiên metro số 1 chính thức về tới cảng Khánh Hội (Q.4). Liên tiếp sau đó, những hình ảnh đầu tiên về đoàn tàu, quá trình vận chuyển tàu về khu vực depot (Q.9), kế hoạch chuẩn bị chạy thử tàu... nhận được rất nhiều sự quan tâm của báo giới và người dân TP.
Hai phương án giá vé
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã xây dựng hai phương án giá vé cho giai đoạn đầu vận hành của tuyến. Phương án 1: Giá vé mở cửa 8.000 đồng/lượt; vé cho mỗi ki lô mét tiếp theo là 800 đồng/km. Đây là giá vé cơ sở áp dụng cho năm đầu tiên vận hành tuyến đã được UBND TP.HCM thông qua tại Quyết định 4856 ngày 13.11.2019; Phương án 2: Giá vé sử dụng MRT 1 là 7.000 - 12.000 đồng/lượt tùy thuộc cự ly chuyến đi. Chuyến đi có cự ly bình quân 9,5 km là 10.000 đồng/lượt. Với cách tính này, chi phí đi lại trung bình hằng tháng (40 chuyến đi cự ly bình quân) khoảng 400.000 đồng/tháng. Vé tích tiền (vé điện tử) sẽ có mức giá thấp hơn 1.000 đồng/lượt so với vé lượt. Ngoài ra, còn có loại vé 1 ngày (22.000 đồng/ngày) và vé 3 ngày (60.000 đồng/3 ngày).
MAUR đánh giá mức giá theo phương án 2 thấp hơn giá vé phương án 1, được xây dựng trên cơ sở phù hợp với giá vé giao thông công cộng nói chung (xe buýt), phù hợp với thu nhập bình quân đầu người của người dân TP. Tuy nhiên, Sở GTVT TP đánh giá phương án 2 chưa toàn diện và chi tiết, chưa đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động đến giai đoạn đầu khi vận hành tuyến metro số 1. Do đó, Sở kiến nghị UBND TP giao MAUR tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1, Trung tâm quản lý giao thông công cộng và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng phương án giá vé trên cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố tác động đến giá vé.
Những tưởng "ải" thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư đã thông, tàu đã về tới, tuyến metro được kỳ vọng nhất này có thể an tâm tăng tốc về đích. Thế nhưng ngày 11.11.2020, phía MAUR chính thức phát đi thông tin tuyến metro số 1 gặp sự cố lệch dầm cầu cạn, đường ray bị hư hỏng, khiến người dân không khỏi hoang mang.
Theo MAUR, qua công tác kiểm tra hiện trường ngày 30.10.2020, đơn vị này phát hiện một gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định rời khỏi đá kê gối không rõ nguyên nhân (đã lắp dầm vào năm 2016), làm hư hỏng thanh ray đã lắp đặt bên trên, đồng thời các thanh ray bị nhổ khỏi các bu lông liên kết với hệ đỡ bên dưới, gây hư hỏng, nứt vỡ bê tông đệm ray tại vị trí VD14.
Ngay sau khi phát hiện sự cố, MAUR đã cùng liên danh tư vấn chung NJPT, Tổng thầu EPC và Công ty Hitachi phối hợp tổ chức kiểm tra hiện trường để tìm hiểu, đồng thời hỗ trợ các bên liên quan tìm các giải pháp khắc phục. Để tìm hiểu nguyên nhân, chủ đầu tư cùng NJPT đồng ý cho liên danh SCC dỡ bỏ đoạn bản đệm đường ray khu vực sự cố để kiểm tra. Trong tháng 11.2020, MAUR tổ chức ít nhất 3 cuộc họp giữa liên danh tư vấn chung NJPT và SCC để đôn đốc các đơn vị gửi báo cáo sự cố. Sốt ruột, Ban giám đốc MAUR liên tục gửi đi công văn, yêu cầu phía nhà thầu nhanh chóng có câu trả lời chính thức, song, hơn 2 tháng trôi qua, nguyên nhân, hướng giải quyết vẫn chưa được chỉ rõ. Sự cố chưa giải quyết xong, mới đây nhất, tổ kiểm tra độc lập của TP.HCM tiếp tục phát hiện thêm gối cao su tại trụ VD12-34 nằm ở khu vực trụ cầu đoạn trước ga Bình Thái và ga Thủ Đức có dấu hiệu bị lệch khỏi vị trí ban đầu.
Trước sự cố tại metro, các chuyên gia trong ngành đều nhận định quan trọng nhất là phải nhanh chóng xác định được đây là sự cố mang tính cục bộ hay hệ thống để tìm phương án giải quyết vì nếu nhiều trường hợp sai lệch sẽ dẫn đến nguy cơ phải sửa lại toàn bộ dầm cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ "về đích" của dự án vào cuối năm nay. Một lần nữa, tuyến metro số 1 “gặp nạn” ngay “phút 89”!
Xuyên tết giải quyết sự cố
Nguồn tin của Thanh Niên cho biết các chuyên gia của tổ kiểm tra độc lập đã yêu cầu tổng thầu là liên danh SCC trả lời 50 câu hỏi liên quan đến sự cố, trong đó quan trọng nhất phải lý giải được nguyên nhân, cho biết sự cố chỉ là cục bộ tại vài vị trí hay mang tính tổng thể trên toàn tuyến, sau đó đề xuất phương án khắc phục. Các chuyên gia cũng gia hạn cho SCC phải gửi đầy đủ câu trả lời vào cuối tuần này, sau đó trong vòng 20 ngày (trước Tết Nguyên đán) phải có kết luận cụ thể để phía TP.HCM tìm ra phương án giải quyết sự cố ngay trong quý 1. Như vậy mới kịp để dự án đưa vào chạy thử tháng 9 và vận hành thương mại vào cuối năm nay.
Hiện nay, phía tổng thầu đã có báo cáo cho biết trong tổng số 1.138 gối cầu, đơn vị này đã kiểm tra được khoảng 500 gối, tương ứng 40%. Do các câu hỏi của tổ chuyên gia mang tính tìm hiểu sâu về chuyên môn nên các đơn vị cần thời gian nghiên cứu kỹ, trong tuần này sẽ có đầy đủ câu trả lời. Phía nhà thầu Nhật Bản Sumitomo cũng đã lên kế hoạch cử đoàn kiểm tra độc lập từ Nhật qua kết hợp cùng các chuyên gia tại TP.HCM để nhanh chóng có kết luận cụ thể về sự cố. Tuy nhiên, do vướng dịch Covid-19, hiện đoàn công tác của Nhật chưa thể có mặt tại VN.
Một chuyên gia về đường sắt cho biết sự cố lệch dầm cầu nếu chỉ xuất hiện tại một vài vị trí có thể nhanh chóng khắc phục. Tuy nhiên, nếu xảy ra trên toàn hệ thống sẽ cực kỳ nguy hiểm vì dẫn đến nguy cơ phải sửa lại toàn bộ 1.138 gối cao su, kéo theo làm lại mố trụ, dầm cầu, thời gian nhanh cũng phải mất 6 tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ "về đích" của dự án.
"Để xảy ra sự cố trên, trách nhiệm thuộc về phía nhà thầu, Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn và đơn vị giám sát. Tuy nhiên, do dự án vẫn chưa nghiệm thu nên toàn bộ chi phí khắc phục sự cố sẽ do nhà thầu SCC chịu trách nhiệm. Quan trọng nhất hiện nay là nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và kết luận về tính hệ thống của sự cố này", vị này nhấn mạnh.
Từ chối thông tin về sự cố phát hiện dầm cầu thứ 2 có vấn đề, song một cán bộ thuộc MAUR chia sẻ giai đoạn này, tất cả đều đang rất căng thẳng, tập trung 100% sức lực để giải quyết tất cả vấn đề phát sinh tại tuyến metro số 1. Những cuộc khảo sát thực địa cùng chuyên gia để đánh giá tình hình, những cuộc hội ý cùng các kỹ sư, giới chuyên môn và họp đốc thúc phía nhà thầu liên tục diễn ra. “Chúng tôi đặt mục tiêu phải tìm ra toàn bộ nguyên nhân, những vấn đề liên quan trước Tết Nguyên đán, sau đó khắc phục hoàn toàn trong quý 1 để đảm bảo tiến độ dự án. Lãnh đạo Ban thậm chí đã tính cả đến việc sẽ làm xuyên tết. Metro số 1 là tâm huyết của Ban, của lãnh đạo TP và là kỳ vọng rất lớn của người dân. Chắc chắn chúng tôi sẽ ra các quyết định cần thiết và quyết liệt trong thời gian tới nhằm đảm bảo chất lượng công trình, an toàn trong giai đoạn vận hành khai thác của tuyến metro số 1”, vị này khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận