24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Quốc Bảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mekong và nỗi ám ảnh của các nhà thám hiểm Pháp

Qua “Con đường thủy vào Trung Hoa”, tác giả Milton Osborne đã tái hiện lại hành trình khám phá Mekong vô cùng sống động của các nhà thám hiểm người Pháp, từ đó làm rõ động cơ, mục đích cũng như là những hoài nghi vẫn còn tồn đọng nhiều thế kỷ qua.

Tình hình Mekong trước chuyến thám hiểm

Là sử gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á, bằng 10 năm đọc và nghiên cứu gián đoạn, cũng như những chuyến du khảo tại vùng Đông Dương từ năm 1959, Osborne thông qua tài liệu lưu trữ cũng như ghi chép cá nhân của phi hành đoàn, đã viết nên một cuốn sách hấp dẫn và lý thú như hành trình vào vùng huyền bí của giáo sư Challenger trong tác phẩm nổi tiếng của Sir Arthur Conan Doyle.

Cuốn sách xoay quanh cuộc thám hiểm sông Mekong trong hai năm 1866-1868, được chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ phát động. Xuất phát vào ngày 5.6 tại Sài Gòn, đoàn thám hiểm gồm 5 thành viên, do Đại úy Ernest Doudart de Lagrée làm trưởng đoàn, sau đó là Trung úy Francis Garnier (phó đoàn). Thành viên bao gồm Louis Delaporte - nhà sử học nghệ thuật, Louis de Carné - nhân viên Bộ Ngoại giao và hai trợ lý y tế: Eugene Joubert (kiêm nhà địa chất học) và Clovis Thorel (kiêm nhà thực vật học).

Mekong và nỗi ám ảnh của các nhà thám hiểm Pháp

6 thành viên của đoàn thám hiểm đang nghỉ ngơi trên các bậc thang của ngôi đền Angkor. Từ trái qua phải họ là: Lagrée, de Carné, Thorel, Joubert, Delaporte và Garnier. Ảnh: Émile Gsell.

Một trong rất nhiều điểm sáng của cuốn sách này là Osborne đã đưa ra những nhận định có phần bất ngờ về động cơ của cuộc thám hiểm. Trái với suy nghĩ số đông rằng sự can thiệp vào vùng Mekong của đế quốc Pháp phần lớn phụ thuộc vào mong muốn bành trướng thuộc địa, thế nhưng qua tác phẩm này, tác giả đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

Ông viết “lịch sử bàn cờ chính trị Pháp từ đầu thế kỷ 19 thường xuyên cho thấy các chính phủ kế tiếp nhau không sẵn sàng góp sức phát triển các mô hình thương mại ở xa.” Vì vậy khi Louis Napoleon lên nắm quyền năm 1848, thì việc mở rộng phạm vi hoạt động ở phương Đông bắt nguồn từ nhiều lý do hơn là ý định của một quân vương cách xa ngàn dặm.

Đầu tiên là các giáo sĩ thừa sai muốn chính phủ bảo vệ tu sĩ và tín đồ của họ, trong khi cánh sĩ quan hải quân thì mãi luôn tin nước Pháp phải có được những thành công không thể thua kém Anh Quốc ở mảng thuộc địa. Còn với bộ phận thương gia, đặc biệt là dân Lyon và Bordeaux, thì họ bực dọc vì Pháp không có trong tay nơi nào sánh được với Singapore và Hồng Kông như của Anh Quốc.

Điều này cũng được khẳng định khi Osborne nhấn mạnh vào sự chần chừ của Thống soái Nam Kỳ để phê duyệt cho cuộc hành trình, vì không một ai có thể chắc chắn về mục đích cuối để khám phá Mekong. Vì vậy theo Osborne, chuyến đi tìm thượng nguồn sông Mekong chủ yếu bắt nguồn từ các cá nhân, mà cụ thể là Francis Garnier – phó đoàn – người mang tinh thần dân tộc đến mức cực đoan, với việc giơ cao lá cờ tam tài cho một thời đại của mission civilisatrice (sứ mệnh khai hóa văn minh).

Mekong và nỗi ám ảnh của các nhà thám hiểm Pháp

Đoàn thám hiểm hạ trại trước một chuỗi ghềnh trên đất Lào. Tranh của Louis Delaporte.

Trước đó, Mekong cũng đã được nhiều nhà thám hiểm để mắt quan tâm. Trong khi nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot phải dựa vào Anh để tìm ra được thành quách của Angkor Wat, thì sĩ quan quân đội người Anh McLeod cũng đã thám hiểm sông Salween dọc theo biên giới Thái Lan, được coi như là dấu hiệu cho sự cạnh tranh cũng như tham vọng của phía đối địch.

Osborne cũng đã khẳng định gần 300 năm từ khi giáo sĩ người Bồ Đào Nha Da Cruz lần đầu viết về Mekong, thì hiểu biết của châu Âu vẫn chẳng tiến bộ bao nhiêu. Ông cũng ví họ chỉ như “những vật ký sinh trên cơ thể chính trị của khu vực này.”

Vì vậy công cuộc thám hiểm vào năm 1866 chính là cơ hội phục thù cho những sự thiếu hiểu biết nói trên. Giờ đây mục tiêu tối hậu là việc trả lời câu hỏi về nguồn gốc con sông, cũng như tiềm năng của bản thân nó trong vấn đề kinh tế.

Để giải quyết được vấn đề này, chính phủ Pháp tại Nam Kỳ đã hướng các nhà thám hiểm đến và thâm nhập vào những vùng đất từng giàu có và thịnh vượng trong quá khứ, từ đó tạo mối nối kết thương mại có lợi giữa chúng với vùng thuộc địa mới thành lập gần cửa sông Mekong.

Mục tiêu chính của cuộc thám hiểm là thu thập các tài liệu khoa học, lập bản đồ, xúc tiến ngoại giao và đánh giá khả năng giao thông của dòng sông để liên kết các khu vực đồng bằng Nam Kỳ, cảng Sài Gòn với vùng Thượng Xiêm (ngày nay là Thái Lan) và miền nam Trung Quốc. Tham vọng của chính quyền Pháp là tạo dựng ra một trung tâm thương mại thành công ở Sài Gòn, tựa như người Anh đã thực hiện kiểm soát Thượng Hải ở cửa sông Dương Tử.

Mekong và nỗi ám ảnh của các nhà thám hiểm Pháp

Bìa sách Con đường thủy vào Trung Hoa. Ảnh: Phương Nam Book

Hành trình sống động

Bằng các ghi chép và những thư từ của năm thành viên, Osborne đã dựng nên một câu chuyện có phần hấp dẫn như cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Corcoran. Trên đường đi, đón chờ đoàn thám hiểm là những thử thách tưởng như không thể vượt qua. Bằng các hình ảnh được họa lại bởi Louis Delaporte và ghi chép của Francis Garnier (mà mấy năm trước tác phẩm Hành trình thám hiểm Đông Dương đã được ra mắt độc giả Việt Nam), Osborne đã cho thấy được không khí ảm đạm, biệt lập của vùng Kratie - tiền đồn xứ Campuchia.

Liền ngay sau đó là các ghềnh thác liên tục trải dài, ngăn cản bước tiến của đoàn thám hiểm. Từ việc phải chèo ngược dòng trên thuyền độc mộc với quân số hậu cần và trang thiết bị quá lớn, đến việc gặp phải “thác Niagara” hình bậc thang Khone ở Nam Lào… tất cả càng làm cho tình thế của đoàn thêm khó khăn hơn.

Mekong và nỗi ám ảnh của các nhà thám hiểm Pháp

Đoàn thám hiểm phải luân chuyển liên tục giữa thuyền độc mộc và phu thồ do mực nước chênh lệch. Tranh của Louis Delaporte.

Osborne cũng đào rất sâu vào sự kiềm chế trong các trang viết của từng thành viên để tạo nên một tác phẩm thật sự chân thực. Ông đã xoáy sâu vào các cáo buộc chống đối lẫn nhau giữa các nhà thám hiểm, để thấy đây cũng đồng thời là một nguyên nhân góp phần vào khó khăn chung.

Đó là tính cách có phần đối nghịch giữa trưởng đoàn Lagrée và phó đoàn Garnier, hay giữa Garnier và de Carné mới hơn 20 tuổi một chút. Cộng với những căn bệnh của miền nhiệt đới, vắt, đỉa, giày dép rách nát, thực vật dày đặc trên từng ngã đường… cũng đã bao phen làm họ nhụt chí.

Mekong và nỗi ám ảnh của các nhà thám hiểm Pháp

Các loài lan bản địa do Louis Delaporte ghi lại. Tranh của Louis Delaporte

Mekong và nỗi ám ảnh của các nhà thám hiểm Pháp

Pháo hoa tại Bassac khi đoàn thám hiểm đến đúng vào dịp Lễ hội Té nước. Tranh của Louis Delaporte.

Đó cũng còn chưa tính đến việc quay trở lại cũng như tách đoàn rất nhiều lần khi chưa có giấy phép để vào Trung Hoa. Ở Miến Điện, họ phải đối mặt với cơ chế chính trị không thật rõ ràng, khi các lực lượng thay nhau nắm quyền. Ở Trung Quốc, tình hình tương tự cũng đã xảy ra ngay tại Vân Nam với cuộc nổi dậy của người Hồi và nạn dịch tả, cùng cái lạnh ở Côn Minh, nạn thảo khấu ở Kiến Thủy…

Thế nhưng chính bằng tuyên ngôn “những điều chưa biết thật hấp dẫn không thể cưỡng lại được”, “quốc gia nào không có thuộc địa thì xem như chết rồi”, “chúng ta đang tiến hành giáo dục về chính trị và tinh thần cho một dân tộc được Thượng Đế giao phó”... thì họ đã dũng cảm ở lại và đạt được các kết quả ấn tượng trong việc ghi nhận dữ liệu về ngôn ngữ, tìm kiếm khoáng vật, cây cỏ, dược liệu cũng như tính chất Phật giáo. Đây được đánh giá là một trong những hồ sơ chi tiết nhất trong cuộc thám hiểm Đông Dương thế kỷ 19.

Mang góc nhìn Tây phương, thế nhưng Osborne cũng rất trung dung khi không áp đặt mang tính “bề trên” đối với vùng đất từng bị phương Tây khước từ. Trong tác phẩm này, ông vẫn thuật lại những sự mê mẩn của đoàn thám hiểm với Bassac trong mùa lễ hội đua ghe ngo, với pháo hoa, rượu và những người dân bản địa thân thiện.

Ở Luang Prabang thuộc Lào, ông cũng kể lại những nhà thám hiểm đã nhìn ra những “con người hoang dã cao quý” ở đây. Họ được đón nhận và tiếp đãi tương đối hồn hậu trong những mảnh đất vẫn còn đặt dưới sức ảnh hưởng của vua Norodom I của Thái Lan bấy giờ, tại các địa điểm như Bassac hay Ubon. Dẫu vậy là người ngoại quốc, họ cũng không thiếu những sự định kiến.

Mekong và nỗi ám ảnh của các nhà thám hiểm Pháp

Chân dung nhóm thám hiểm còn sống sót cùng toán lính hộ tống tại Hán Khẩu (Trung Quốc) vào tháng 6-1968. Tranh của Louis Delaporte.

Cũng như trong cuốn Khoái khẩu và Khát vọng của Erica J. Peters, Osborne cho thấy những người ngoại quốc cũng nhìn vùng đất mới này với một nhãn quan thiếu sự đứng đắn. Thay vì tìm hiểu văn hóa, họ vẫn còn đó cách nhìn dâm dục đối với phụ nữ, lấy trộm sách thiêng ở chùa Wat Si Saket và biện hộ nó bằng sự nhân danh khoa học. Họ cũng châm biếm “vua” của các tiểu quốc hay là chư hầu với những bộ trang phục lộng lẫy. Họ cũng coi người bản xứ là lười biếng và không đáng tin… Thế nhưng cuối cùng thì đây lại là những người giúp đỡ họ trong hành trình.

Và tuy cuối cùng họ phải dừng lại ở Vân Nam, thế nhưng 4.000 dặm đường đất chưa từng khảo sát đã được ghi lại, cũng như dòng chảy Mekong đã được xác nhận, không còn kỳ bí. Bên cạnh đó nhờ Garnier, thì tiềm năng của sông Hồng trong việc kết nối với Trung Quốc cũng được nhìn thấy, dẫn đến hành động khiêu khích của Pháp tại Hà Nội vào năm 1873.

Mekong và nỗi ám ảnh của các nhà thám hiểm Pháp

Tác giả Milton Osborne. Ảnh: Sydney Institute

Phần cuối tác phẩm, Osborne cũng viết về cái kết buồn của những con người mang nhiều lý tưởng, trong đó có cả bi kịch của Francis Garnier. Theo đó mẫu quốc tỏ ra thờ ơ với các kết quả của cuộc khảo sát Mekong, biên bản dày hơn ngàn trang chỉ bán được chưa đến 10 bộ cho các cơ quan chính phủ. Trong khi đó, Garnier chỉ được tôn vinh bằng một giải thưởng chung chung của Hội Địa Lý.

Quãng thời gian đó cũng chính là lúc chiến tranh Pháp – Phổ manh nha nổ ra, và uy tín của Garnier xuống cấp trầm trọng trong việc bị cho là giành danh tiếng của vị trưởng đoàn giờ đã qua đời. Cuối cùng ông đã trở lại Hà Nội lần nữa, và chờ đón ông chính là cái chết. Cho đến sau rốt, những người thám hiểm vẫn chỉ là những con chốt trên một bàn cờ chính trị, chịu sự lãnh đạm, bỏ mặc và quay lưng của mẫu quốc.

Bằng các tài liệu vô cùng thú vị cũng như xác đáng, Milton Osborne đã tạo nên một cuốn sách ấn tượng, cuốn hút như khi đang đọc một cuốn tiểu thuyết. Từ đó tình hình chính trị - xã hội ở các nước dọc bờ Mekong, cũng như tham vọng chính trị của đế quốc Pháp cũng được vén màn. Nhưng quan trọng nhất đó là hào quang sẽ luôn đi kèm cùng với bi kịch, và đây chính là áng văn dùng để ngợi ca những nỗ lực ấy.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả