MBS: Khó thấy lại đáy ghi nhận vào tháng 3/2020, VN-Index có thể biến động trong 780-920 điểm
Tại MBS’s Talk - Thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới, CTCK MB đánh giá VN-Index trong 6 tháng cuối năm khó về đáy COVID-19 mà sẽ dao động 780-920 điểm.
Sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư F0 có liên quan chặt tới các gói bơm tiền của các ngân hàng trung ương
MBS’s Talk - Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra vào chiều 2/7, các diễn giả đã có những đánh giá và phân tích về sự hồi phục của thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Theo đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK MB (MBS) đánh giá có 5 yếu tố đóng góp cho sự hồi phục mạnh của thị trường.
Thứ nhất, kỳ suy thoái lần này không giống với bong bóng Bất động sản năm 2007-2008 hay bong bóng Dotcom mà đến từ dịch bệnh. Giá cổ phiếu xuống rất sâu và thị trường Mỹ có lúc giảm gần 40%.
Thị trường Việt Nam cũng vậy, chỉ báo RSI trên đồ thị tuần đã có lúc về mức thấp nhất kể từ 2007-2008.
Thứ hai, sau khi số liệu về COVID-19 tạo đỉnh tại Ý, thị trường chứng khoán đã nhanh chóng tạo đáy và đi lên. Tuy nhiên, cần lưu ý tới làn sóng thứ 2 có thể gây ra một nhịp điều chỉnh nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Trong 2 tuần gần đây, số liệu về các ca lây nhiễm có xu hướng tăng lên tại Mỹ đã khiến cho chỉ số S&P 500 nhanh chóng tạo đỉnh ngắn hạn 3.100 điểm.
Thứ ba là sự phản ứng của các ngân hàng trung ương (NHTW) với số lần giảm lãi suất rất nhiều lần. FED và ECB giảm về quanh 0%. Cùng với đó là các gói cung tiền khổng lồ. Hơn 3.000 tỷ đồng đã được FED bơm ra chỉ trong vòng 3 tháng. Nhờ đó S&P 500 tăng 30% từ đáy khiến thị trường chứng khoán biến động không gắn liền với các chỉ số kinh tế.
Đặc biệt, gói chính sách tài khóa hơn 2.000 tỷ USD trong đó có trên 560 tỷ USD chuyển cho cá nhân. Nên đã có rất nhiều nhà đầu tư dùng tiền đó để quay lại thị trường chứng khoán. Đây được xem là tiền để cho sự tham gia của nhà đầu tư F0 trong giai đoạn bình thường mới.
Cũng cần lưu ý rằng, nhà đầu tư mang theo kỳ vọng về sự tái mở cửa của các nền kinh tế lớn giúp thị trường tăng niềm tin hồi phục. Tại châu Âu, lĩnh vực sản xuất đã hồi phục đặc biệt tại Đức phục hồi mạnh. Trong khi đó, lĩnh vực chịu ảnh hưởng chủ yếu lại chỉ là dịch vụ nên cơ hội trong COVID-19 là vẫn có.
Cuối cùng, theo ông Sơn, kênh đầu tư chứng khoán vẫn cho thấy sức hấp hẫn so với kênh vàng đã hút tiền rất tốt. So với đầu năm, chứng khoán hiện chỉ còn giảm khoảng 10%.
Tóm lại, chính sách bơm tiền của NHTW đã tạo động lực cho sự tham gia nhà đầu tư F0.
Xu hướng của nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam trong thời gian tới
Một trong những yếu tố khiến thị trường Việt Nam và thế giới bị giảm mạnh trong thời gian qua là xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư ngoại. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của FiinGroup, tính đến ngày 6/2, khối ngoại đã bán ròng khoảng 15.000 tỷ đồng. So với đợt khủng hoảng lần trước, quy mô bán ròng vẫn thấp hơn nhiều.
4 thành phần chính của đợt bán ra vừa qua là một quỹ châu Âu giải thể, nhà đầu tư chỉ số đặc biệt là ETF, quỹ huy động tại Việt Nam, và quỹ phân bổ tài sản toàn cầu.
Với việc 3 tuần đầu tháng 6 mua ròng, ông Thuân tự tin đà bán mạnh ít nhất không còn. Theo ghi nhận của ông Thuân, nhà đầu tư ngoại hiện bán dè dặt, và không còn tình trạng "chạy thục mạng". Trạng thái của các quỹ ngoại do vậy đang khá cân bằng.
Cùng với các yếu tố vĩ mô vẫn tích cực, ông Thuân cho rằng nhà đầu tư ngoại ở lại với thị trường Việt Nam đang là những người "khá yêu Việt Nam".
Thị trường chứng khoán đi vào "mùa xuân"
Đánh giá về đợt tăng điểm vừa qua, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc của SGI Capital cho rằng sự cốt yếu của đợt tăng điểm vừa qua chính là sự bơm tiền nhanh và quyết liệt của các NHTW. Trong các đợt khủng hoảng lần trước, NHTW có giảm lãi suất nhưng việc bơm tiền lại ở quy mô nhỏ và thậm chí là không có.
Thị trường tài chính trong khi đó thực tế là những bình thông nhau. Khi khủng hoảng xảy ra, NHTW mua trực tiếp từ các tài sản, lên tới hàng nghìn tỷ USD nhiều hơn bất kỳ nhà đầu tư tổ chức. Điều này sẽ khiến cung bán ra trên thị trường cạn đi rất nhanh và còn khiến nhà đầu tư đảo ngược xu hướng bán ra và xuất hiện nhu cầu mua tài sản.
Theo ghi nhận, khi có QE, chứng khoán Mỹ sẽ giảm không quá 7% và chỉ khi FED dừng mua tài sản, mới xuất hiện các mức giảm hơn 10%.
Với nền kinh tế Việt Nam, ông Phúc cho rằng thị trường Việt Nam đang đi vào chu kỳ kinh tế "mùa xuân". Vừa qua kinh tế đi vào giai đoạn nóng trong 2018-2019 nhưng do có COVID-19 xuất hiện đã kích hoạt suy thoái trên thế giới còn Việt Nam là suy giảm.
Cá nhân ông Phúc cho rằng Việt Nam đã đi qua "mùa đông" trước kinh tế thế giới. Điểm thấp nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội, quý III kinh tế sẽ phục hồi. Khi lãi suất hạ thì kinh tế đi vào phục hồi, bước vào giai đoạn mùa xuân. Và thị trường chứng khoán đã tạo đáy trước đó vào cuối "mùa đông", tức là cuối tháng 3. Từ đó, thị trường sẽ khó thấy lại đáy cũ của tháng 3 và xu hướng các kênh tài sản sẽ có xu hướng đi lên.
Còn theo ông Trần Hoàng Sơn, dao động thị trường P/E của Việt Nam từ 10-15 lần và mức PE cân bằng là 12 lần tương ứng với 782 điểm của VN-Index. Xu hướng giải ngân mạnh sẽ ở vùng này và thậm chí về gần vùng này, nhà đầu tư đã tham gia giải ngân. Dự báo VN-Index sẽ dao động 780-920 điểm từ nay đến cuối năm và lạc quan hơn có thể về 950 điểm tương đương PE 15 lần. Thời điểm hiện tại chính là để nhà đầu tư kiên nhẫn lựa chọn cổ phiếu cho sự phục hồi cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận