menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Học

MBS:Chưa cấp thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong nước

Báo cáo phân tích vĩ mô tháng 5/2022 của Chứng khoán MB (MBS) mới đây đã chi ra rằng, trong năm 2022, áp lực lạm phát tại Việt Nam khá lớn và nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong năm nay ở mức dưới 4% như Quốc hội đề ra gặp rất nhiều khó khăn.

Hoạt động kinh tế

Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Tuy thấp hơn mục tiêu 6-6,5% của Quốc hội đề ra cho cả năm 2022, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, chiếm 5,76% của mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, chiếm 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, chiếm 43,16%.

Trong quý I/2022, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt mức 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 49.591 doanh nghiệp, là mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Theo đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5% vào năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. IMF dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.

MBS:Chưa cấp thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong nước

Lạm phát

Thời gian gần đây, đã có ý kiến cho rằng, trong năm 2022 áp lực lạm phát tại Việt Nam khá lớn và nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong năm nay ở mức dưới 4% như Quốc hội đề ra gặp rất nhiều khó khăn; đề xuất Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, do cầu tiêu dùng còn yếu, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 được dự báo sẽ vẫn ở mức thấp, bất chấp giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu có thể gia tăng. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước chưa cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. GSO cho biết, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, bên cạnh giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 5 tăng.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017 - 2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%.

Hoạt động thương mại

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.257,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD).

MBS:Chưa cấp thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong nước

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam tăng lên 54,7 điểm trong tháng 5 so với mức 51,7 điểm của tháng 4, từ đó cho thấy mức cải thiện theo tháng đáng kể của sức khỏe lĩnh vực tư nhân vào thời điểm giữa quý 2. Trong đó có ba điểm nhấn nổi bật là sản lượng tăng mạnh hơn trong bối cảnh phục hồi sản xuất từ đại dịch; Tốc độ tạo việc làm nhanh hơn; Mức độ chậm trễ giao hàng tăng lên.

Theo báo cáo, ngành sản xuất Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 5 khi tiếp tục phục hồi từ làn sóng mới nhất của đại dịch Covid-19 trong thời gian đầu năm. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều được ghi nhận tăng mạnh, trong khi các công ty đã tăng hoạt động mua hàng và việc làm. Có một số khó khăn liên quan đến các biện pháp phong tỏa do đại dịch ở Trung Quốc Đại lục đã kìm hãm xuất khẩu và tiếp tục gây ra chậm trễ trong khâu chuyển hàng. Trong khi đó, áp lực lạm phát vẫn tăng nhưng đã giảm bớt so với tháng 4.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2022 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10.4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12.1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 8.3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 10%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9.2% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12.5%). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/05/2022 tăng 1.4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4.4% so với cùng thời điểm năm trước.

MBS:Chưa cấp thiết phải thắt chặt chính sách tiền tệ trong nước
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại