MBKE: Thanh khoản cần vượt 1 tỷ USD/phiên mới kéo được VN-Index trên 1.300 điểm
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), thanh khoản cần phải vượt qua 1 tỷ USD mỗi phiên để kéo chỉ số VN-Index đạt trên 1.300 điểm.
Báo cáo chiến lược tháng 5 của MBKE cho rằng, các nút thắt thanh khoản như tắc nghẽn lệnh trên HOSE và cho vay ký quỹ chạm hạn mức, tiếp tục kìm hãm thị trường tăng trong tháng 4/2021 mặc dù VN-Index đã vượt ngưỡng tâm lý 1.200 điểm và thiết lập đỉnh lịch sử mới.
Phe mua đáng kể là các nhà đầu tư cá nhân trong nước thì đang tỏ ra thận trọng khi chỉ số VN-Index không thành công thử thách kháng cự 1.270 điểm. Trong khi đó, UBCK dường như muốn trì hoãn việc phê duyệt kế hoạch tăng vốn cổ phần của các công ty chứng khoán và công suất giao dịch của hệ thống đang thấp.
Cụ thể, trong tháng 4, sự trở lại của các quỹ nước ngoài hỗ trợ cho đà tăng thị trường, mua ròng khiêm tốn 71 tỷ đồng (tương đương 3,1 triệu USD) chủ yếu đến từ Đài Loan (Trung Quốc).
Sau khi huy động được khoảng 180 triệu USD thông qua đợt IPO, Fubon FTSE Vietnam ETF (Đài Loan) đã hút thêm 170 triệu USD, do đó đã đầu tư 350 triệu USD vào Việt Nam trong tháng 4/2021. Với thành công ban đầu này của ETF, MBKE kỳ vọng sẽ thấy nhiều dòng tiền hơn trong những tháng tới.
Ngoài ra, DC25 Ltd, một công ty liên kết của Dragon Capital, đã đăng ký mua 100 triệu chứng chỉ (trị giá 1,2 tỷ đồng) của VFMVSF, thuộc một quỹ khác do công ty quản lý.
"Tất cả những điều này để nói rằng, Việt Nam đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài mới, điều này sẽ làm giảm bớt dòng vốn ngoại đang bị rút trên thị trường", các chuyên gia của MBKE nhận định.
Tuy nhiên, theo MBKE, vốn nội đang suy giảm, bao gồm tự doanh duy trì xu hướng bán ròng trong tháng thứ tư liên tiếp.
Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực đỡ chính cho thị trường, nhưng sự hưng phấn của họ đang giảm nhiệt. Trong tháng 4/2021, nhóm này chỉ mua ròng 3.780 tỷ đồng, chiếm một phần tư so với con số của tháng 3. Nguồn tiền trong nước có thể đã bắt đầu tìm kiếm kênh đầu tư khác như bất động sản và vàng.
Tuy nhiên, MBKE cho rằng, lạm phát vẫn có thể kiểm soát được và duy trì dự báo lạm phát trung bình ở mức 3,5% cho năm 2021 và 3,3% cho năm 2022, thấp hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước.Tiền gửi của khách hàng để giao dịch tại các công ty chứng khoán tăng nhẹ 6% theo quý trong quý I/2021, so với mức tăng 63% của quý IV/2020.
Tương tự như tiền gửi của khách hàng để giao dịch tại các công ty chứng khoán, mức tăng cho vay ký quỹ cũng chậm lại (tăng 18% theo quý trong quý I/2021 so với tăng 39% theo quý trong quý IV/2020). Có lo ngại rằng UBCK có thể hoãn việc phê duyệt kế hoạch tăng vốn của các công ty chứng khoán do rủi ro hệ thống chưa được giải quyết.
Về hệ thống giao dịch, theo MBKE, việc cải tiến đã giúp thanh khoản tăng lên 30% trong tháng 4, qua đó giúp VN-Index vượt qua mốc 1.200 điểm, lên mức đỉnh lịch sử đóng cửa mới 1.268,28 điểm vào 20/4/2021. Tuy nhiên, hiện tương nghẽn lệnh vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
MBKE ước tính, VN-Index có thể lên trên 1.300 điểm hoặc 1.400 điểm nếu hệ thống có khả năng xử lý 1 tỷ USD giá trị giao dịch mỗi phiên. Điều này chỉ có thể thực hiện được sau khi FPT triển khai giải pháp chống tắc nghẽn, sớm nhất vào tháng 7/2021.
Theo quan điểm của MBKE, các vấn đề về thanh khoản có khả năng khiến thị trường giao dịch trong phạm vi 1.200 - 1.300 điểm trong tháng 5/2021.
Kỳ vọng trong quý II/2021, MBKE tin rằng, tác động của đợt bùng phát Covid-19 đang diễn ra lần thứ 4 sẽ được giảm bớt. Các ngành mang tính chu kỳ như ngân hàng, bán lẻ, bất động sản và thép sẽ vẫn là tâm điểm chú ý, mặc dù mức tăng thị giá không cao như quý I/2021 trong bối cảnh thị trường đi ngang. Đây là cơ hội để tái cơ cấu danh mục đầu tư sang cổ phiếu tăng trưởng cao hơn. Đáng chủ ý, mảng bán lẻ (MWG, PNJ) có mức so sánh cơ bản thấp trong quý II/2020 bên cạnh sự phục hồi của tiêu dùng nội địa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận