MB ghi nhận tỷ lệ nợ xấu thấp kỷ lục từ trước tới nay
MB có khả năng “phòng thủ” rất cao khi mỗi một đồng có rủi ro nợ xấu luôn có ba đồng để xử lý.
Thông tin từ ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2021, MB đã đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tăng cao trích lập dự phòng rủi ro. Kết quả đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu của MBGroup (gồm ngân hàng MB và các công ty con) chỉ ở mức 0,76%, trong đó riêng ngân hàng là 0,58%. Đây là mức thấp kỷ lục của ngân hàng này từ trước tới nay và cũng là mức thấp nhất hệ thống tính đến thời điểm hiện tại.
Tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro trên nợ xấu của MB đạt 311%, cao hơn gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020. "Điều này có nghĩa là MB có khả năng “phòng thủ” rất cao khi mỗi một đồng có rủi ro nợ xấu luôn có ba đồng để xử lý", ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh.
Như vậy, MB đã trở thành 1 trong 2 ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất toàn ngành, cùng với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Cũng theo Tổng Giám đốc MB, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng tài sản của MB Group đạt hơn 524.000 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm, trong đó tín dụng tăng 10,5% đạt gần 340.000 tỷ đồng.
Doanh thu của ngân hàng hợp nhất đạt hơn 22.900 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, trong đó riêng doanh thu trước dự phòng rủi ro của ngân hàng mẹ đạt hơn 14.600 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của MBGroup đạt 7.986 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.
MB cũng có hiệu quả kinh doanh thuộc top đầu với tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản ROA đạt 2,48 % và tỷ suất sinh lời trên vốn ROE đạt 23,28%.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) đạt khoảng 28,6%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi hơn 30%, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/bình quân đầu người cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ.
Không chỉ làm tốt hoạt động kinh doanh, hưởng ứng chủ trương của Đảng và Chính phủ, MB còn hỗ trợ trên 100 tỷ đồng cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (Nghị quyết 63). Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp...
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã đề nghị các ngân hàng tích cực triển khai Nghị quyết của Chính phủ, thực hiện song hành hai mục tiêu: Đó là tăng cường hỗ trợ nền kinh tế qua việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, đồng thời bảo đảm an toàn một cách cao nhất cho hệ thống không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận