24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Nga
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Máy móc, nguyên liệu Trung Quốc ồ ạt 'chạy' về Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh vào Việt Nam, trong đó đứng đầu là mặt hàng nguyên liệu công nghiệp và máy móc.

Máy móc, nguyên liệu Trung Quốc áp đảo

Cụ thể, xơ sợi nhập về Việt Nam tính đến hết ngày 15/6 đạt hơn 547.000 tấn, tăng hơn 144.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Đơn giá bình quân xơ sợi nhập về Việt Nam 6 tháng đầu năm là khoảng 50 triệu đồng/tấn, tăng hơn 3 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xơ sợi từ Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng lượng nhập với khoảng 277.000 tấn đạt kim ngạch gần 600 triệu USD, đơn giá hơn 49 triệu đồng/tấn.

Đối với vải nhập khẩu, 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng nhập hơn 6,6 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường Trung Quốc, Việt Nam nhập hơn 3,68 tỷ USD mặt hàng vải, chiếm khoảng 55% kim ngạch.

Một mặt hàng khác là nguyên liệu dệt may. 6 tháng đầu năm các doanh nghiệp Việt chi hơn 3 tỷ USD nhập nguyên liệu về nước, tăng 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường Trung Quốc là 1,35 tỷ USD, chiếm hơn 45% kim ngạch.

Tính đến ngày 15/6, Việt Nam nhập hơn 1,4 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó, riêng nhập từ Trung Quốc là hơn 455 triệu USD, chiếm 1/3 kim ngạch nhập khẩu toàn thị trường.

Mặt hàng gỗ nhập từ Trung Quốc ngày càng tăng nhanh dấy lên lo ngại một số doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm bán thành phẩm và lợi dụng để tẩy xuất xứ nguồn gốc.

Mặt hàng có kim ngạch nhập lớn nhất từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập mặt hàng này đến giữa tháng 6 ước đạt gần 21 tỷ USD, tăng gần 8 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Riêng kim ngạch nhập mặt hàng này từ Trung Quốc đạt gần 9,8 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập máy móc, thiết bị, phụ tùng của Việt Nam.

Theo một số chuyên gia, việc máy móc Trung Quốc có kim ngạch nhập khẩu lớn, áp đảo nhiều đối tác khác do nhiều nguyên nhân, trong đó giá rẻ, dễ tiếp cận và được doanh nghiệp trung gian môi giới đến tận chân công trình.

Thực tế, việc nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua đã được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo "dễ dàng" nhưng "rủi ro" do Trung Quốc đang thực hiện chuyển đổi mạnh nền kinh tế công nghiệp thâm dụng năng lượng, nhân công, nguyên liệu sang công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, nhiều loại máy móc đã bị thải loại trong quá trình chuyển đổi này và đích đến là nước nhận đầu tư hoặc mua máy móc kém chất lượng.

Chuyên gia cảnh báo

Theo thống kê, thời gian qua Trung Quốc đã đóng cửa từ 600 đến 800 nhà máy nhiệt điện than nhỏ lẻ trên khắp cả nước do không đảm bảo được vệ sinh môi trường, năng lực kém và phát thải cao. Trong khi đó, nhiệt điện than vẫn chiếm trên 50% kế hoạch của Việt Nam trong tổng sơ đồ điện 7, điện 8. Ngoài ra, các ngành cơ khí như luyện gang thép, xi măng hay sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời cũng được Trung Quốc mạnh tay loại bỏ để hạn chế ô nhiễm.

T.S Lương Văn Khôi - Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) - cho rằng, Trung Quốc đặt mục tiêu rất tham vọng năm 2020, hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm của nước này sẽ đạt 45%, năm 2025 là 70%, hiện nay mới chỉ 25%.

"Chính sách chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc đang tạo rủi ro lớn, tác động trực tiếp vào nhiều ngành và đặc biệt có thể gây ra mối nguy cho chúng ta nếu vẫn tiếp nhận những công nghệ thải từ nước này. Sẽ có lượng lớn nhà máy, xí nghiệp sử dụng công nghệ cũ từ Trung Quốc có thể sẽ được chuyển giao công nghệ qua các hợp tác mua bán, sáp nhập hoặc liên doanh, hoặc bán máy móc cũ... sang các quốc gia kém phát triển hơn", ông Khôi cảnh báo.

Ngoài vấn đề máy móc, nguyên nhiên liệu, các sản phẩm bán thành phẩm từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng có rủi ro "kép".

"Một mặt, doanh nghiệp Việt phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng mặt khác doanh nghiệp Việt dễ chịu trừng phạt bởi các quy định về xuất xứ hàng hóa khi một số hàng hóa Việt Nam sử dụng đầu vào từ nguyên liệu Trung Quốc xuất sang các thị trường lớn như EU, Mỹ - nơi đang đánh thuế cao đối với sản phẩm "Made in China", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả