"May đo” tư vấn cho các tổ chức phát hành trái phiếu ra sao?
“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phát huy hơn nữa quyền lực của mình trong việc trở thành chốt chặn để kiểm soát hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp”.
Trước diễn biến "quá nóng" từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, bên cạnh những cảnh báo về trách nhiệm chính của các chủ thể trong các đợt phát hành, còn có vai trò tham gia của các định chế tài chính với việc tư vấn, đấu thầu, bảo lãnh hay đại lý theo nhu cầu của mỗi doanh nghiệp phát hành. Nhìn chung, tâm lý của nhà đầu tư luôn cho rằng việc chủ thể phát hành có tư vấn, bảo lãnh hay đại lý phát hành của các công ty chứng khoán, ngân hàng có tên tuổi lớn thì sẽ củng cố niềm tin và tăng tính hấp dẫn đối với trái phiếu. Theo quy định và xét trên cả tâm lý đó, cần xác định vai trò cụ thể của các đơn vị này trong mỗi đợt phát hành.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty Chứng khoán Mirae Asset, đứng ở góc độ công ty chứng khoán có hai vai trò chính là tư vấn cho đơn vị phát hành làm sao để thành công và phân phối chứng khoán đó cho nhà đầu tư. Các chuyên gia đã nói rất nhiều việc cầu trái phiếu là cho khách hàng đầu tư cá nhân, nhưng thực chất, thị trường là rất rộng, cầu trái phiếu đến cả từ các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm, thậm chí là cả các doanh nghiệp nằm trong các chuỗi giá trị của doanh nghiệp phát hành đó. Ví dụ, nhà cung cấp linh kiện cho một doanh nghiệp và có sự tin tưởng vào doanh nghiệp phát hành, thì hoàn toàn có thể đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp đối tác đó.
“Đối với vai trò tư vấn cho tổ chức phát hành, chúng tôi rất cần “may đo” theo đúng đề bài mà chủ doanh nghiệp đưa ra. Chúng tôi cũng cần tìm hiểu mô hình kinh doanh, sức khỏe tài chính, dự án đầu tư, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, mong muốn của chủ doanh nghiệp là gì. Thậm chí, chúng tôi cũng phải hỏi nỗi sợ của chủ doanh nghiệp là gì, ví dụ doanh nghiệp sợ bị pha loãng, sợ mất quyền quản trị, hoặc bị khó trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng,... Từ đó, chúng tôi mới đưa ra giải pháp tài chính tổng thể và thấy rằng, trái phiếu doanh nghiệp chỉ là một trong những tổng thể giải pháp tài chính mà thôi”, ông Tuấn Anh giải thích.
Cũng theo vị Giám đốc kinh doanh đến từ Mirae Asset, ví dụ một doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng thi công từ 2-3 năm và vận hành 10 - 15 năm, đối với việc vay vốn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể vay vốn ngoại tệ. Khi đó, có nhiều những định chế tài chính nước ngoài sẵn sàng tài trợ cho phát triển hạ tầng và cho vay bằng USD ở thị trường trong nước với kỳ hạn lên đến 15 năm, hay có những định chế khác thì hạn 5 năm, kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất rẻ hơn. Vì thế, doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn vay nước ngoài, còn một phần là phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
“Là một đơn vị tư vấn, chúng tôi hoàn toàn có thể tư vấn cho doanh nghiệp tỷ lệ phần trăm từ 30-50% thông qua hình thức là định chế tài chính nước ngoài cho vay bằng USD ở trong nước, còn phần còn lại từ 20 -30% là phát hành trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp này sẽ nhắm đến các quỹ là các công ty bảo hiểm có kỳ hạn đầu tư dài, hay những doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp phát hành như những nhà thầu phụ, nhà cung cấp nguyên vật liệu cho việc thi công, họ là những người tiếp xúc thường xuyên với doanh nghiệp, họ hiểu các hoạt động của doanh nghiệp hơn ai hết. Về phía doanh nghiệp, thì cần minh bạch thông tin để đưa lên thị trường chứng khoán, đó là điều tốt giúp marketing cho doanh nghiệp, để nhà đầu tư có thể mua trái phiếu”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, thông qua sự kiện huỷ phát hành 9 lô trái phiếu của nhóm các công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua, cũng làm dấy lên câu hỏi, vai trò trách nhiệm của các tổ chức tư vấn, cung ứng dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp cụ thể ra sao?
Một loạt các ngân hàng như SHB, VietinBank đều đã đồng loạt lên tiếng khẳng định không bảo lãnh phát hành và không bảo lãnh thanh toán, không đầu tư cũng như không phân phối các lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm là phù hợp với quy định của pháp luật.
Tình trạng lô trái phiếu "mua tay trái bán tay phải" ngay trong hệ sinh thái tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng cho thấy trách nhiệm tư vấn phát hành là rất quan trọng
Còn về phía tổ chức tư vấn, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) và công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đều cho rằng việc cung cấp dịch vụ của các CTCK này là phù hợp với chức năng nhiệm vụ, tuân theo quy định của pháp luật và trên cơ sở các thông tin, tài liệu do tổ chức phát hành cung cấp. Tổ chức phát hành chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của các thông tin công bố trong hồ sơ chào bán. Trong khi đó, đáng chú ý là một đợt phát hành của thành viên do nhóm Tân Hoàng Minh chào bán, được tư vấn bởi một CTCK, thì toàn bộ số trái phiếu của đợt phát hành này đã được bán cho 01 nhà đầu tư tổ chức là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, tức cũng "người một nhà" trong hệ thống. Tình trạng lô trái phiếu "mua tay trái bán tay phải" ngay trong hệ sinh thái tập đoàn này cũng cho thấy trách nhiệm tư vấn phát hành ở cả góc độ xem xét yếu tố dòng vốn, bên bán - bên mua..., là rất quan trọng.
Về vấn đề này, LS. Nguyễn Đăng Tư, Công ty Luật TNHH TriLaw (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay, rất nhiều vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp có ngân hàng hỗ trợ phát hành. Tuy nhiên, đi sâu vào tìm hiểu thực tế, các ngân hàng này chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật như: nộp hồ sơ, nộp đơn, in ấn trái phiếu, rồi dùng hệ thống phòng giao dịch để bán trái phiếu...
Trong trường hợp này, cần lưu ý rằng, các ngân hàng hay công ty chứng khoán không đứng ra bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không đầu tư cũng như không phân phối cho các trái phiếu đó. Do vậy, các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán đó hoàn toàn không có trách nhiệm gì khi doanh nghiệp phát hành không còn khả năng trả nợ.
Rất khó để ràng buộc trách nhiệm của các định chế tài chính trước tình trạng này, khi các định chế tài chính cụ thể là ngân hàng chỉ thực hiện việc cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 và Giấy phép hoạt động của các ngân hàng. Các ngân hàng cũng chỉ chịu trách nhiệm đối với các dịch vụ đấy, còn đối với việc thanh toán nợ khi doanh nghiệp phát hành không còn khả năng thanh toán thì không thuộc trách nhiệm của các ngân hàng. Chính vì thế, các nhà đầu tư cần nắm rõ về vai trò của ngân hàng và có lẽ cũng cần phải có quy định liên quan đến quyền được thông tin của nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp về vai trò của ngân hàng.
“Tôi cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phát huy hơn nữa quyền lực của mình trong việc trở thành chốt chặn để kiểm soát hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, cần kiểm tra giám sát hơn nữa về các doanh nghiệp nào đủ điều kiện, nếu không đủ điều kiện thì không duyệt và cấp phép phát hành.
Bên cạnh đó, việc giám sát dòng tiền được huy động để phát hành có đúng như trong đăng ký hồ sơ hay không hay chỉ là cơ cấu nợ, việc này cần phải thực hiện triệt để hơn nhằm tránh tình trạng lợi dụng chiếm đoạt tài sản như một số vụ việc vừa qua”, LS. Nguyễn Đăng Tư nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận