Máy bay chở khách do Nga-Trung Quốc sản xuất có thể trễ hẹn
Có nhiều dấu hiệu cho thấy chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay CR929 sẽ không diễn ra đúng thời điểm dự kiến...
Có nhiều dấu hiệu cho thấy chuyến bay đầu tiên của chiếc máy bay chở khách do Nga và Trung Quốc hợp tác sản xuất sẽ không diễn ra đúng thời điểm dự kiến.
Theo hãng tin CNBC, từ năm 2014 đến nay, hai công ty nhà nước là United Aircraft Corporation (UAC) của Nga và Commercial Aircraft Corporation of China (COMAC) của Trung Quốc đã hợp tác phát triển một máy bay thân rộng. Theo kế hoạch ban đầu, chiếc máy bay sẽ được đưa ra thị trường vào năm 2025.
Đây là máy bay tầm xa CR929 với 250-320 chỗ ngồi, được trang bị hai động cơ. Liên doanh giữa UAC và COMAC có trụ sở đặt tại Thượng Hải, Trung Quốc và hoạt động với tên gọi CRAIC.
Năm ngoái, hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing dự báo thị trường hàng không dân dụng Trung Quốc sẽ có thêm 7.690 máy bay mới trong vòng 2 thập kỷ tới, mở ra cơ hội kinh doanh trị giá 1,2 nghìn tỷ USD cho các hãng chế tạo phi cơ. Trung Quốc hiện là thị trường hàng không thương mại lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ.
CR929 được chế tạo nhằm giành một thị phần trên thị trường hàng không ngày càng phát triển không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tàu bay này muốn hướng tới những tuyến bay đường dài hiện đang nằm dưới sự thống trị của hai dòng máy bay Boeing 787 và Airbus A350.
Liên doanh đã ra mắt mô hình kích thước đầy đủ của CR929 tại hội chợ hàng không ở Chu Hải, Trung Quốc vào tháng 11/2018. Tại triển lãm này, COMAC khẳng định sẽ bắt đầu giao hàng chiếc máy bay cho khách mua vào năm 2025.
Tuy nhiên, mục tiêu này bắt đầu bị nghi ngờ sau khi UAC hồi tháng 6 năm nay cho biết đã nhận được đơn đặt hàng mua CR929, nhưng nói rằng chiếc máy bay đầu tiên có thể phải tới năm 2027 mới hoàn thiện.
Giám đốc CRAIC, ông Xie Canjun, hồi tháng 2 năm nay nói rằng thiết kế chi tiết của CR929 dự kiến đến đầu năm 2020 sẽ xong. "Máy bay rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu, thiết kế bên trong, các chức năng cơ bản, tầm bay, công suất chở khách… đều đã hoàn tất", ông Xie cho biết.
Theo dự kiến, Nga sẽ sản xuất phần cánh của máy bay, nhưng phần thân máy bay sẽ sản xuất tại Trung Quốc và quy trình lắp ráp cuối cùng sẽ diễn ra ở Trung Quốc.
Ngoài thời gian dự kiến giao hàng khác nhau, việc lựa chọn động cơ cho CR929 cũng cho thấy sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong dự án này có thể đang diễn ra không mấy suôn sẻ.
General Electric (GE) và Rolls Royce là hai ứng cử viên "chung kết" cho việc cung cấp động cơ ở giai đoạn đầu cho CR929. Tuy nhiên, tại triển lãm Chu Hải, liên doanh cũng tuyên bố sẽ phát triển một động cơ Nga-Trung cho chiếc máy bay.
Những thông tin này trở nên phức tạp khi tổng công ty động cơ hàng không Aero Engine Corp. of China (AECC) của Trung Quốc cũng trưng bày ở triển lãm Chu Hải một động cơ máy bay riêng. Các nhà điều hành của AECC nói rằng họ hy vọng sẽ được chọn là nhà cung cấp động cơ cho CR929.
Nga không chịu "kém miếng", và công ty động cơ United Engine Corporation (UEC) của Nga mới đây đã được đưa vào danh sách nhà cung cấp động cơ tiềm năng cho CR929. UEC hiện đang phát triển một động cơ phản lực cánh quạt (turbofan) và nói rằng động cơ này sẽ đáp ứng nhu cầu của CR929.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận