May 10, Hòa Thọ, Dệt kim Đông Xuân....gặp gỡ 50 nhà nhập khẩu dệt may Canada
Ngày mai, 16/5/2019, lãnh đạo một số doanh nghiệp dệt may lớn thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) sẽ có cuộc gặp gỡ với 50 nhà nhập khẩu và kinh doanh hàng thời trang tại Montreal – trung tâm ngành hàng thời trang lớn của Canada để tìm kiếm cơ hội giao thương, thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường quan trọng nằm trong khối CPTPP.
Tổng Giám đốc Vinatex, ông Lê Tiến Trường đang có mặt tại Canada, với vai trò trưởng đoàn đưa doanh nghiệp trực thuộc Vinatex tới Canada trong chương trình Xúc tiến thương mại tại thị trường này từ ngày 11 – 19/5/2019.
Đoàn đi xúc tiến thương mại, tìm kiếm nhà nhập khẩu tại Canada bao gồm các doanh nghiệp tên tuổi trong Vinatex, như: TCT May 10, Hanosimex, Hòa Thọ, Dệt May Huế, Công ty CP Đầu tư Vinatex, Dệt kim Đông Phương, Dệt kim Đông Xuân…
Hôm 13/5, đoàn doanh nghiệp đã gặp gỡ các nhà nhập khẩu Canada tại Vancouver với sự tham gia của 20 nhà nhập khẩu, trong đó có các doanh nghiệp có doanh số lên tới 1 tỷ CAD.
Theo kế hoạch, ngày 16/5/2019, đoàn sẽ tiếp tục có cuộc gặp gỡ với 50 nhà nhập khẩu và kinh doanh hàng thời trang tại Montreal – trung tâm ngành hàng thời trang lớn của Canada.
Cách thức thực hiện các cuộc xúc tiến thương mại của Đoàn doanh nghiệp Vinatex có những đổi mới với việc tập trung mời các nhà nhập khẩu về dự sinar trong 1 ngày, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đoàn đều có sản phẩm giới thiệu và đàm phán giá ngay với các khách tại hội thảo theo phương thức gặp 1-1.
Cách thức này được doanh nghiệp Canada đánh giá cao, số lượng doanh nghiệp quan tâm đến tham dự nhiều hơn 20% so với lần đầu tiên Đoàn xúc tiến thương mại của Vinatex đến Canada vào tháng 8/2018.
Canada đã được ngành dệt may Việt Nam đưa vào tầm ngắm khai thác mạnh mẽ để trở thành thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành dệt may. Số liệu của Vinatex cho biết, năm 2018, xuất khẩu dệt may sang Canada đạt 930 triệu USD, tăng 19% so với 2017.
Dù vậy thì hàng dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm 6,5% thị phần nhập khẩu hàng dệt may nước này.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân 2019 với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp trong ngành này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 đã khẳng định, Canada được đưa vào tầm ngắm của doanh nghiệp này để khai thác mạnh, tận dụng thời cơ gia tăng xuất khẩu và ưu đãi thuế.
Lý giải cho việc tập trung mạnh vào Canada, trước đó ông Việt cho rằng, hiện nay, nhiều khách hàng của May 10 có chuỗi cửa hàng tại Mỹ và cả Canada luôn, đây cũng là một trong những cơ hội lớn để May 10 mở rộng thị trường mới này. Ngoài ra, thị trường truyền thống Nhật Bản cũng được dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh nhờ CPTPP.
Canada là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may trên 13,5 tỷ USD/năm. Theo cam kết của Canada khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019, 42,9% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Canada có thuế 0% từ năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4. Mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu sang thị trường Canada.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, trong số các thị trường CPTPP, có nhiều tín hiệu mạnh nhất hiện nay là Canada và Mexico. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang các nước thuộc thị trường CPTPP tăng tới 22,5% (trong đó có tới 90% là sang Canada và Mexico).
“Trong tổng số khoảng 500 giấy chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi về thuế cho sản phẩm xuất khẩu vào CPTPP mà Bộ Công thương cấp cho doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2019 thì có tới 90% là hàng hóa xuất sang 2 thị trường Canada và Mexico. Điều đó cho thấy, thị trường CPTPP đang mở ra cơ hội, tiềm năng rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam”, lãnh đạo Bộ Công Thương nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận