menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bảo An

Mâu thuẫn Nhật - Hàn đe dọa chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu

Các hiệp hội kinh doanh đại diện cho các “ông lớn” công nghệ ở Thung lũng Silicon (Mỹ) cảnh báo, cuộc tranh cãi thương mại đang leo thang liên quan đến việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu hàng hóa công nghệ sang Hàn Quốc có thể gây tổn hại dài hạn khắp chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, vốn đang bị xáo trộn bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Mới đây, các hiệp hội kinh doanh ở Mỹ với thành viên là các công ty công nghệ, nhà sản xuất chip đã viết thư gửi đến hai bộ trưởng thương mại của Nhật Bản và Hàn Quốc, với ngỏ ý rằng chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu phụ thuộc dòng chảy thương mại suôn sẻ của các linh kiện, hóa chất và vật liệu công nghệ cao.

Thư ngỏ có đoạn: “Các thay đổi đơn phương và không minh bạch trong chính sách kiểm soát xuất khẩu có thể gây rối loạn chuỗi cung ứng công nghệ, trì hoãn nhiều chuyến hàng và gây tổn hại dài hạn cho các công ty đang hoạt động bên trong và bên ngoài biên giới của các bạn cũng như công nhân làm việc ở các công ty này”.

Các hiệp hội kinh doanh ký tên trong thư ngỏ gồm Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ, Hiệp hội Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng và Hiệp hội Vật liệu và thiết bị bán dẫn quốc tế.

Rạn nứt mới nhất trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu khởi nguồn từ cuộc tranh cãi giữa Tokyo và Seoul bị thúc đẩy bởi yếu tố chính trị hơn là thương mại. Cuộc tranh cãi này xảy ra hồi đầu tháng này khi Nhật Bản thông báo hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba vật liệu công nghệ cao gồm photoresist, hydrogen fluoride và fluorine polyimide, vốn rất cần thiết để sản xuất chip nhớ và màn hình điện thoại di động (smartphone), những lĩnh vực mà Hàn Quốc đang đứng đầu chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, Nhật Bản đang nắm giữ phần lớn nguồn cung toàn cầu của ba vật liệu này.

Nhật Bản giải thích rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu dựa trên các lý do an ninh. Song Hàn Quốc nói động thái của Nhật Bản là nhằm trả đũa việc Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động ở các nhà máy và hầm mỏ của họ trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.

Các nhà phân tích ước tính lượng dự trữ ba loại vật liệu này ở Hàn Quốc chỉ đủ sử dụng trong vòng 1-3 tháng tới.
Ngày 2-8 tới, nội các Nhật Bản có thể thông qua quyết định loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” của các nhà nhập khẩu uy tín, những nước được phép mua những sản phẩm và công nghệ của Nhật Bản có thể được chuyển sang sử dụng cho mục đích quân sự.

Nếu Hàn Quốc bị loại bỏ khỏi danh sách này, sẽ có hơn 1.000 sản phẩm của Nhật Bản xuất khẩu sang Hàn Quốc từ linh kiện điện tử cho đến thiết bị máy móc chịu sự kiểm soát gắt gao hơn. Động thái này sẽ gây thiệt hại cho các công ty Nhật Bản nhưng bên chịu tổn thất lớn hơn có thể là các công ty công nghệ Hàn Quốc bao gồm Samsung vốn đang phụ thuộc các sản phẩm này, cũng giống như Huawei rơi vào tình cảnh khốn khó khi bị Mỹ cấm vận công nghệ.

Kế hoạch mở rộng các biện pháp hạn chế thương mại với Hàn Quốc, nếu được nội các Nhật Bản thông qua, có thể gây gián đoạn tạm thời đối với gần như tất cả 52 tỉ đô la hàng hóa mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản mỗi năm, theo báo cáo của Ngân hàng Goldman Sachs công bố hôm 22-7.

Nhật Bản và Hàn Quốc đang sản xuất các chip và màn hình không thể thay thế đối với các dịch vụ và thiết bị được sản xuất bởi các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ như Apple, Amazon và Microsoft. Do vậy, chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu sẽ bị đe dọa khi quan hệ thương mại của hai nước này ngưng trệ.

Hôm 25-7, Phòng Thương mại Mỹ ở Hàn Quốc ra tuyên bố hối thúc Nhật Bản và Hàn Quốc dàn xếp tranh cãi để “giảm thiểu thiệt hai cho nền kinh tế” đồng thời cảnh báo một cuộc tranh cãi kéo dài “sẽ dẫn đến các hệ lụy tiêu cực trên toàn cầu”.

Theo các nhà kinh tế và các nhà phân tích công nghệ, nếu các công ty công nghệ Hàn Quốc trì hoãn sản xuất do thiếu vật liệu nhập khẩu từ Nhật Bản dù chỉ trong vài tuần, điều này có thể đe dọa đến hoạt động lắp ráp iPhone của Apple, sự vận hành của các máy chủ ở các trung tâm dữ liệu đám mây của Amazon và các kho hàng dự trữ của hàng loạt thiết bị kết nối khác.

Giá chip nhớ DRAM đã tăng gần 20% kể từ hồi đầu tháng 7 khi Nhật Bản áp đặt các biện pháp hạn xuất khẩu ba loại vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc.

Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng ở công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, nhận định giá chip tăng sẽ ảnh hưởng đến các hãng sản xuất hàng điện tử Mỹ, đặc biệt là những hãng đang hoạt động ở Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung chip nhớ.

“Chính trị hóa các chuỗi cung ứng công nghệ là mối đe dọa lớn. Đây là điều mà các công ty không gặp phải cách đây 5 năm. Họ chỉ nhìn vào yếu tố kinh tế của mọi quyết định nhưng giờ đây, họ phải tính toán cả yếu tố chính trị”, Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của hãng xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P Global Ratings, nói.

Theo Wall Street Journal

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại