Mặt trận Tổ quốc nghi ngờ tỷ lệ '72% người đồng ý tăng học phí'
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dẫn khảo sát 72% trong số 74.000 người được hỏi đồng ý tăng học phí, tuy nhiên đại biểu Mặt trận Tổ quốc thành phố bày tỏ nghi ngờ.
Ngày 20/6, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố về mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023.
Theo dự thảo, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí THCS dự kiến 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đang áp dụng. Hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội cho hay, có trên 74.000 ý kiến của cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên ở những trường này tham gia góp ý bằng phiếu, do các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục công lập thực hiện. Kết quả hơn 53.700 người đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72%. Hơn 20.000 ý kiến không đồng tình, chiếm 27%.
Với 37 cơ quan, đơn vị góp ý bằng văn bản gồm 3 sở (Tài chính, Tư pháp, Lao động Thương binh và Xã hội), 24 quận, huyện, thị xã, 5 phòng giáo dục và đào tạo, 5 trường THPT công lập, có 22 ý kiến thống nhất với dự thảo nghị quyết, chiếm gần 60%. Dự thảo nghị quyết cũng được đăng tải lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử thành phố, tuy nhiên theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hết thời gian lấy ý kiến không ai tham gia góp ý.
Tham gia phản biện, ông Ngô Hữu Thảo đặt vấn đề tỷ lệ hơn 70% phụ huynh và giáo viên đồng ý tăng học phí rất đáng "nghi ngờ", nhất là trong bối cảnh bão giá hiện nay. Việc điều tra xã hội học phải được thực hiện bài bản, khoa học và có số liệu phân tích cụ thể, không thể chung chung bao nhiêu % đồng ý.
Với gần 30% số người tham gia ý kiến không đồng tình, ông Thảo cho rằng cần rất chú ý tới nhóm này vì nó cho thấy sự đồng thuận của nhân dân với việc tăng học phí có thể không cao.
Cùng quan điểm, ông Lê Gia Ánh nói đối tượng lấy ý kiến là giáo viên và phụ huynh thì không chỉ 70% mà muốn 80% đồng tình cũng được vì giáo viên là người trong ngành, còn phụ huynh thường rất ngại có ý kiến khác. "Nếu mở rộng đối tượng góp ý thì kết quả sẽ khác", ông Ánh nói.
Đại biểu Tùng Lâm cho rằng việc điều tra xã hội học phải rõ ràng, tách bạch. Khi làm đại biểu HĐND thành phố, ông đã nhiều lần phát biểu người Hà Nội không thiếu tiền mà cần sự minh bạch và chất lượng giáo dục. "Tiền thu học phí được chi thế nào, đóng góp ra sao cho xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay", ông Lâm nêu và đề nghị chuyển tất cả các khoản thu vào học phí và không thu thêm bất cứ khoản nào khác.
Các đại biểu cũng góp ý không nên để mức thu học phí chênh lệch quá lớn giữa các vùng; tăng học phí trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch và nhiều mặt hàng đã tăng giá gây khó khăn thêm cho người dân; hỗ trợ các trường dân lập; xem xét về lâu dài miễn hoàn toàn học phí...
Trong phần tiếp thu giải trình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương không phản hồi về kết quả lấy ý kiến giáo viên và phụ huynh. Ông nói nguyên tắc là mức thu học phí năm 2022-2023 bằng mức sàn, tức mức thu thấp nhất theo nghị quyết của Chính phủ. Việc điều chỉnh học phí không ảnh hưởng đến người diện chính sách.
"Nếu năm nay Hà Nội không tăng học phí thì sang năm phải tăng gấp đôi và sang năm không tăng thì năm tiếp theo tăng gấp 3. Một số tỉnh thành trong đó có TP HCM 3 năm không tăng nên năm nay phải tăng gấp 5 lần", ông Cường nói.
Để hỗ trợ học sinh 23 xã miền núi, liên ngành thành phố đã báo cáo cho phép dùng nguồn kinh phí hỗ trợ, dự kiến khoảng 9,5 tỷ đồng. Ngoài ra, học sinh hộ nghèo, gia đình chính sách đều được miễn giảm học phí.
Hà Nội hiện có 2.835 trường học với 2,3 triệu học sinh (đông gấp 2 lần dân số của một số tỉnh); có hơn 138.000 giáo viên, trong đó khoảng 100.000 người dạy công lập. Ông Cương cho hay nguồn thu từ học phí theo tờ trình chỉ đảm bảo chi 19% cho giáo dục, ngân sách nhà nước vẫn phải chi 81%. Mỗi năm ngân sách thành phố chi khoảng 12.000 tỷ đồng cho giáo dục.
Ngoài ra, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 60.000 học sinh, tương ứng phải xây thêm 30 trường học. Trong khi đó, thành phố hiện thiếu hơn 7.000 giáo viên. Vừa qua các bộ, ngành liên quan đã đồng ý cho Hà Nội tuyển bổ sung 2.800 giáo viên.
Dự kiến, dự thảo nghị quyết sẽ được trình HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7 tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận